Khám phá “Thung lũng Silicon” thời cổ đại
Trước khi Thung lũng Silicon ra đời, các học giả ở Iraq cổ đại đã tạo ra một trung tâm tri thức khuyến khích đổi mới sáng tạo.
Từ trước đến nay, hợp tác vẫn được xem là động lực chính giúp thúc đẩy đổi mới trong khoa học và công nghệ, Theo đó, một số tiến bộ khoa học quan trọng nhất đã ra đời từ các trung tâm tri thức. Ngày nay, khi nhắc đến một trung tâm tập trung nhiều tổ chức, khuyến khích sự hợp tác, mọi người thường nghĩ ngay đến Thung lũng Silicon. Song đây không phải là nơi đầu tiên hiện thực hoá ý tưởng này, đã có rất nhiều trung tâm ra đời mở đường cho nó, trong đó có thể kể đến Baghdad, Iraq, trong Thời kỳ Hoàng kim của Hồi giáo vào thế kỷ Hồi giáo thứ tư (thế kỷ thứ mười sau Công nguyên).
Những hình vẽ của Al-Khwarizmi trong cuốn sách Kitab Surat-al-ard (thế kỷ 11) được xem là bản đồ sớm nhất về sông Nile. (Ảnh: Wiki Commons).
Vào khoảng thời gian này, khi Châu Âu đang trải qua “Thời kỳ đen tối”, Ngôi nhà của Trí tuệ (Bayt-al Hikmah) đã ra đời. Chính tại đây, nhiều tác phẩm vĩ đại của Ba Tư, Trung Quốc, Ấn Độ và Hy Lạp đã được thu thập và dịch sang tiếng Ả Rập, bao gồm cả các tác phẩm của Aristotle và Euclid.
Sự đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ đã tạo ra những di sản đổi mới lâu dài trong các lĩnh vực bao gồm đại số, địa lý, thiên văn học, y học và kỹ thuật.
Máy móc tự động hoá
Tồn tại trong khoảng ba thế kỷ rưỡi, Ngôi nhà của Trí tuệ là nơi sinh sống của một số nhà tư tưởng đại tài. Trong số này có anh em Banu Musa – ba học giả người Ba Tư sống ở Baghdad vào thế kỷ thứ 9, mỗi người lại có một chuyên môn riêng: một người là nhà toán học, một người là nhà thiên văn học và một người là kỹ sư.
Họ đã dịch các tác phẩm từ các ngôn ngữ khác sang tiếng Ả Rập, hỗ trợ cho các dịch giả khác và đầu tư tiền để mua các bản thảo quý hiếm. Họ cũng tham gia vào phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, thậm chí còn có tài năng về âm nhạc.
Nhưng đóng góp đáng chú ý nhất của họ là máy móc tự động, hay automata. Trong một công trình được xuất bản vào năm 850 sau Công nguyên, Cuốn sách về Các thiết bị Tài tình, hay còn được gọi là Cuốn sách về các Thủ thuật, họ đã mô tả những cỗ máy được xem là tiền thân của người máy hiện đại.
Những cỗ máy tự động này bao gồm các nhạc cụ cơ học và một robot tự thổi sáo chạy bằng hơi nước. Teun Koetsier thuộc Đại học Vrije Amsterdam coi “nhạc công” cơ khí này là cỗ máy lập trình đầu tiên trên thế giới.
Những nhà bác học thiên tài
Một học giả khác sống trong Ngôi nhà của Trí tuệ vào thời điểm đó là Mohammad ibn Musa al-Khwarizmi, cái tên của ông đã truyền cảm hứng cho một thuật ngữ mà ngày nay chúng ta thường sử dụng: “thuật toán” (algorithm).
Trên thực tế, thuật ngữ “đại số” (algebra) cũng bắt nguồn từ tiêu đề một trong những cuốn sách của ông – Kitab fi al-Jabr wa al-Muqabala – Cẩm nang về tính toán bằng phép hoàn thể và cân bằng.
Đây là một trong (nếu không muốn nói là) ấn phẩm đầu tiên trên thế giới đề cập đến các quy tắc đại số. Ông cũng có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực địa lý và thiên văn học. Al-Khwarizmi đã hợp tác với al-Kindi, còn được biết đến với cái tên Latinh là Alkindus.
Al-Kindi là một nhà bác học người Abbasid. Ông là công dân của Đế chế Abbasid, đế chế trải dài khắp khu vực nói tiếng Ả Rập từ Pakistan đến Tunisia ngày nay, và từ Biển Đen đến Ấn Độ Dương. Ông là một nhà toán học, sinh viên khoa phân tích mật mã và là người tiên phong trong lý thuyết âm nhạc, người đã kết hợp triết học Aristotle với thần học Hồi giáo.
Al-Kindi được ghi nhận là người đã giới thiệu các chữ số Ấn Độ cho những đồng nghiệp của mình cộng đồng nói tiếng Ả Rập. Cùng với al-Khwarizmi, ông đã phát triển các chữ số Ả Rập mà tất cả chúng ta sử dụng ngày nay (tức là các số 0-9).
Ông cũng là tác giả của cuốn sách lâu đời nhất từng được biết đến về phân tích mật mã và sử dụng suy luận thống kê (một loại phân tích dữ liệu). Nhà thống kê Lyle Broemeling mô tả đây là một trong những ví dụ sớm nhất của cả hai phương pháp này.
Thư viện cá nhân của Al-Kindi đồ sộ đến mức có vẻ như đã khơi dậy trong lòng anh em nhà Banu Musa sự ghen tị, khiến họ âm mưu gây sự với ông ấy, đuổi ông khỏi Ngôi nhà của Trí tuệ, và thư viện của ông bị tịch thu, trở thành tài sản của họ.
Biến mất không dấu vết
Sau nhiều thế kỷ “nuôi dưỡng” sự thông thái và phát triển khoa học kỹ thuật, Ngôi nhà của Trí tuệ đã bị quân Mông Cổ phá hủy trong Cuộc vây hãm Baghdad năm 1258 – mà không để lại bất kỳ dấu vết nào.
Bức tranh của nhà sử học Ba Tư Rashid-al-Din Hamadani mô tả cuộc bao vây Baghdad năm 1258 của người Mông Cổ. Người dẫn đầu đoàn quân Mông Cổ là Húc Liệt Ngột – cháu trai của Thành Cát Tư Hãn. (Ảnh: Thư viện quốc gia Pháp).
Việc không có bằng chứng khảo cổ học nào được ghi nhận đã khiến một số học giả nghi ngờ về sự tồn tại của nó. Một số người cho rằng Ngôi nhà của Trí tuệ không tồn tại dưới dạng một địa điểm hữu hình, mà tồn tại dưới dạng một trạng thái tinh thần.
Trong cuốn sách Tư tưởng Hy Lạp, Văn hóa Ả Rập, Dimitri Gutas gợi ý rằng Ngôi nhà của Trí tuệ khả năng cao là đã được lãng mạn hóa thành một “kho lưu trữ quốc gia lý tưởng”. Nhưng chuyên gia Nghiên cứu Hồi giáo Hossain Kamaly cho rằng quan điểm này không thuyết phục.
Tuy nhiên, chính Gutas cũng đồng ý rằng từ năm 800 đến năm 1000 sau Công nguyên, đã có một phong trào dịch thuật quy mô lớn ở Trung Đông, từ đó rất nhiều bản dịch đầy đủ và có hệ thống các tác phẩm phi văn học của Hy Lạp sang tiếng Ả Rập đã ra đời. Các dịch giả được đánh giá cao. Uy tín xã hội của họ và của cả giới thượng lưu đã giúp tài trợ cho các hoạt động dịch thuật cũng tăng lên.
Nhà truyền thông khoa học nổi tiếng và cũng là nhà vật lý lý thuyết Jim al-Khalili đã khái lược trong cuốn sách Người tìm đường của ông:
[Đ]ây thực sự là Ngôi nhà của Trí tuệ […] đã mở rộng đáng kể phạm vi từ một thư viện cung điện đơn thuần […] để rồi trở thành một trung tâm học thuật khoa học nguyên bản.
Nói cách khác, Ngôi nhà của Trí tuệ có thể là một không gian nhỏ, nhưng là một không gian giao thoa những kiến thức liên ngành trong một môi trường đa dạng và năng động. Nó đã để lại những di sản giá trị cho khoa học hiện đại.
Các học giả thường nhận hỗ trợ tài chính từ các caliph khác nhau – những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo của các quốc gia Hồi giáo. Nói cách khác, các học giả chỉ tập trung nhận “học bổng” thay vì xin tài trợ. Ngoài ra, tất cả các cách thức học hỏi để thu nhận kiến thức đều được tôn trọng, khen thưởng và khuyến khích như nhau, điều này dẫn đến sự ổn định và thịnh vượng xã hội.
Mặc dù còn nhiều điều chúng ta chưa biết về Ngôi nhà của Trí tuệ, nhưng chúng ta vẫn nhận ra rằng từ xưa đến nay, những ý tưởng phong phú thường xuất hiện trong một môi trường năng động, đa ngành. Điều này khiến chúng ta không khỏi thắc mắc: liệu có phải sự phân chia rạch ròi các ngành học như chúng ta thường làm – vốn cho rằng khoa học công nghệ và khoa học xã hội là hai lĩnh vực đối lập không liên quan đến nhau – đang kìm hãm sự đổi mới?