Kiến tạo mảng giống Trái đất xuất hiện ở sao Kim, mở ra cơ hội cho sự sống?
Sao Kim có thể đã từng tồn tại những kiến tạo mảng tương tự như quá trình xảy ra trong ngày đầu hình thành nên Trái đất.
Mặc dù là hành tinh láng giềng gần nhất của chúng ta nhưng sao Kim lại là một nơi vô cùng khắc nghiệt, khi sở hữu nhiệt độ nóng hơn Trái đất khoảng 100 lần.
Điều này khiến cho nỗ lực khám phá sao Kim gặp nhiều khó khăn. Một tàu vũ trụ của NASA thậm chí từng bị nghiền nát chỉ sau 2 giờ vì cố gắng tiếp cận bầu khí quyển dày đặc của sao Kim.
Quá trình hình thành sự sống trên Trái đất có thể đã xảy ra ở sao Kim, nhưng lại theo một kịch bản hoàn toàn khác. (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, ở sao Kim có thể đã từng tồn tại những kiến tạo mảng tương tự như quá trình xảy ra trong ngày đầu hình thành nên Trái đất.
Cụ thể trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu khí quyển từ sao Kim và mô hình máy tính để chỉ ra rằng, thành phần của khí quyển hiện tại và áp suất bề mặt của hành tinh này có thể là kết quả của một dạng kiến tạo mảng ban đầu.
Phát hiện mới này cung cấp cho các nhà thiên văn học một số kịch bản mới để đánh giá về khả năng tồn tại sự sống sơ khai trên sao Kim, cũng như quá khứ tiến hóa của hành tinh này nói riêng, và lịch sử của Hệ Mặt trời nói chung.
Trên Trái đất, hoạt động kiến tạo mảng này đã diễn ra trong suốt hàng tỷ năm, góp phần hình thành nên những lục địa, dãy núi mới, và đồng thời là những phản ứng hóa học giúp ổn định nhiệt độ bề mặt Trái đất.
Tuy nhiên, sao Kim lại đi theo hướng ngược lại, khi sở hữu nhiệt độ bề mặt là xấp xỉ 464 độ C, đủ nóng để làm tan chảy chì và nhiều kim loại khác.
Do lượng khí nitơ và carbon dioxide dồi dào có trong bầu khí quyển của sao Kim, nhóm nghiên cứu tin rằng hành tinh này đã xảy ra kiến tạo mảng khoảng 4,5 tỷ - 3,5 tỷ năm trước.
Giống như trên Trái đất, chuyển động kiến tạo ban đầu này sẽ bị hạn chế về số lượng các mảng di chuyển và mức độ xê dịch của chúng. Thậm chí, quá trình này cũng có thể đã xảy ra cùng một lúc ở cả sao Kim và Trái đất.
Nghiên cứu đi tới kết luận rằng, có thể đã xuất hiện cùng lúc 2 hành tinh của Hệ Mặt trời diễn ra hoạt động kiến tạo mảng. Tuy nhiên, dường như chỉ 1 trong số 2 hành tinh cho phép tồn tại sự sống mà chúng ta quan sát thấy trên Trái đất ngày nay.
Dẫu vậy, các nhà khoa học vẫn chưa vội bỏ rơi hy vọng ở sao Kim. Trên thực tế, trong cùng một thời điểm ở quá khứ, Trái đất và sao Kim thậm chí còn giống nhau hơn những gì mà chúng ta từng nghĩ trước đây.
Cả hai hành tinh đều có cùng kích thước, có cùng khối lượng, mật độ, thể tích, cũng như tồn tại trong cùng một khu vực gần Mặt trời.
Theo các nhà nghiên cứu, kiến thức có được từ sự chuyển đổi trạng thái kiến tạo của sao Kim sẽ rất quan trọng đối với các nghiên cứu trong tương lai, với đối tượng là các mặt trăng hay ngoại hành tinh trong hệ.