Kim cương chưa từng thấy trong thiên thạch ngoài hành tinh
Thiên thạch ở hẻm núi Diablo ở bang Arizona chứa kim cương với cấu trúc khác thường, hình thành từ vụ va chạm cách đây hàng chục nghìn năm.
Mẫu vật thiên thạch ở hẻm núi Diablo. (Ảnh: Wikimedia)
Các nhà khoa học sử dụng kỹ thuật chụp ảnh cao cấp để xem xét những viên kim cương từ thiên thạch hẻm núi Diablo, họ phát hiện đó không phải là đá quý thông thường, theo IFL Science. Thiên thạch hẻm núi Diablo rơi cách đây khoảng 50.000 năm, tạo ra miệng hố thiên thạch, một trong những miệng hố va chạm nguyên vẹn nhất thế giới. Trong một nghiên cứu công bố vào năm 2022, các nhà khoa học cho biết loại đá mới không chỉ có độ cứng như kim cương thường mà cả độ dẻo khác thường. Hơn thế, chúng có những đặc tính dễ điều chỉnh, có tiềm năng sử dụng trong thiết bị điện tử.
Kim cương dùng trong đồ trang sức cấu tạo từ nguyên tử carbon theo hình lập phương, mỗi nguyên tử liên kết với 4 nguyên tử khác, đôi khi bị gián đoạn bởi nguyên tố khác, góp phần tạo ra màu sắc. Lonsdaleite là dạng carbon hiếm được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1967 trong thiên thạch hẻm núi Diablo. Trước đây, giới nghiên cứu cho rằng nó hình thành từ nguyên tử carbon sắp xếp theo mạng lục giác, do đó họ xếp nó vào danh sách thù hình carbon cùng với graphite, carbon graphene vô định hình và graphyne.
Tuy nhiên, khi kiểm tra lonsdaleite bằng quang phổ kế Raman và tinh thể học, tiến sĩ Péter Németh ở Viện nghiên cứu địa chất và địa hóa học Hungary phát hiện lonsdaleite thực chất bao gồm những viên kim cương hình lập phương và graphene kết hợp xen kẽ và gọi đó là diaphite. Khi kim cương và graphene gặp nhau, các lớp phân cách ngoài dự kiến. Lượng lonsdaleite sẵn có quá nhỏ để kiểm tra một số đặc điểm của nó. Tuy nhiên, mô hình hé lộ nó có thể dùng để thiết kế vật liệu siêu cứng nhưng vẫn dễ uốn, hứa hẹn nhiều ứng dụng từ chất mài mòn, đồ điện tử, y học nano tới công nghệ laser.