Liệu rằng Mặt trăng có thể va vào Trái đất như trong phim Moonfall hay không?
Đã một thời gian kể từ khi bộ phim Moonfall của Roland Emmerich được phát hành và cốt truyện của nó khiến mọi người tự hỏi liệu mặt trăng có thể đâm vào Trái đất hay không. Theo mục IMDB chính thức của bộ phim, "một lực bí ẩn đánh bật mặt trăng khỏi quỹ đạo của nó", khiến nó lao xuống Trái đất. Và để tìm hiểu xem lực bí ẩn này là gì, trước tiên chúng ta nên đi sâu vào các câu hỏi khác và biết về cách vệ tinh tự nhiên của chúng ta ra đời.
Sự hình thành của mặt trăng
Mặt trăng là người bạn đồng hành thân thiết của Trái đất trong hàng tỷ năm. Theo một giả thuyết được chấp nhận rộng rãi của NASA, mặt trăng được suy đoán là đã xuất hiện từ các mảnh vụn đá văng ra ngoài không gian sau một vụ va chạm lớn giữa Trái đất và hành tinh nhỏ hơn, hành tinh giả định có tên Theia. Một giả thuyết khác cho rằng Mặt trăng cũng như Trái đất hình thành sau vụ va chạm của hai thiên thể có kích thước gấp 5 lần sao Hỏa.
Theia là tên gọi của một hành tinh giả thuyết mà theo như giả thuyết vụ va chạm lớn về sự hình thành của mặt trăng, đã va chạm với Trái đất vào khoảng 4 tỷ năm trước. Sự va chạm này với góc va chạm chỉ là trượt qua nhưng cũng đủ để phá hủy Theia, lõi sắt của nó bị chôn vùi trong Trái đất nguyên thủy. Một lượng lớn vật chất bắn ra và rơi vào quỹ đạo quanh Trái đất, từ đó mặt trăng được hình thành. Trái đất cũng thu được một lượng đáng kể xung lượng góc từ va chạm này, cũng như tăng tổng khối lượng của nó tới mức như hiện nay.
Khoảng cách của Mặt trăng và Trái đất
Mặt trăng quay quanh hành tinh của chúng ta và nó cách Trái đất khoảng 385.000 km, khối lượng ước tính của mặt trăng là hơn 81 triệu tấn. Nó có kích thước bằng một phần tư Trái đất, trích lời Paul Chodas, quản lý của Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS) cho Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực từ NASA tại Caltech ở Pasadena, California.
Mặt trăng có thể đâm vào Trái đất không?
Như chúng ta đã để cập ở trên, "một lực bí ẩn đánh bật mặt trăng khỏi quỹ đạo của nó", khiến nó lao xuống Trái đất. Xét trên khía cạnh thực tế thì lực bí ẩn này có thể được sinh ra từ các va chạm giữa mặt trăng và các tiểu hành tinh, sao chổi.
Cơ hội để xảy ra điều này là hoàn toàn có thể, nhưng nó vô cùng nhỏ nếu như chúng ta không muốn nói là chẳng cần phải quan tâm. Nguyên nhân là do mặt trăng nhỏ hơn nhiều so với Trái đất, theo đó lực hút của nó cũng nhỏ hơn nhiều so với Trái đất. Lực hấp dẫn của Trái đất sẽ hút tiểu hành tinh, sao chổi hoặc bất kỳ vật thể nào khác về phía chính nó.
Theo những nghiên cứu thiên văn trước đó, hầu hết các mặt trăng lớn thường không bao giờ va vào hành tinh mà chúng quay quanh. Lý do liên quan đến cách các mặt trăng lớn được hình thành. Hầu hết chúng được bắt đầu như những vành đai mảnh vụn quay quanh hành tinh. Nếu quỹ đạo quá chậm và phân rã, các mảnh vụn sẽ rơi vào hành tinh theo thời gian. Đây là những gì đang xảy ra ngay bây giờ với các vành đai xung quanh Sao Thổ. Tuy nhiên, nếu quỹ đạo quay của vành đai nhanh hơn, đủ để tất cả các mảnh vỡ di chuyển ra khỏi hành tinh, các mảnh vỡ sẽ kết hợp lại với nhau do lực hấp dẫn và cuối cùng tạo thành mặt trăng. Và khi điều này xảy ra, mặt trăng tạo thành cũng sẽ có quỹ đạo đủ nhanh để khiến nó từ từ di chuyển khỏi hành tinh. Và đó là những gì đang xảy ra với mặt trăng của chúng ta. Nó đang dần di chuyển khỏi Trái đất với tốc độ khoảng 1,48 inch (gần 4 cm) mỗi năm.
CNEOS của NASA xác định và theo dõi các vật thể gần Trái đất (NEO), chẳng hạn như tiểu hành tinh và sao chổi, để theo dõi xem chúng có gây ra mối đe dọa cho Trái đất, mặt trăng hoặc các hành tinh láng giềng trong vũ trụ khác của chúng ta hay không. Tính đến thời điểm hiện tại, CNEOS đã theo dõi khoảng 28.000 NEO tiếp cận Trái đất trong phạm vi 1,3 đơn vị thiên văn (194,5 triệu km). Và thật may mắn, chúng ta không có va chạm nào với bất kỳ hành tinh, tiểu hành tinh và các NEO khác.
NASA cho biết một NEO thực sự có thể đe dọa Trái đất phải có đường kính ít nhất là 140 mét. Và một vật thể thực sự có thể va chạm và di chuyển Mặt trăng ra khỏi quỹ đạo và rơi về phía Trái đất, theo NASA, sẽ phải "lớn gần bằng chính Mặt trăng". Tuy nhiên cho đến nay, theo những quan sát của NASA thì không hề có tiểu hành tinh lang thang lớn như vậy được ghi nhận trong hệ mặt trời - Tiểu hành tinh lớn nhất được biết đến có khối lượng nhỏ hơn mặt trăng khoảng 70 lần và quay quanh quỹ đạo cách Trái đất khoảng 180 triệu km.
Mặt trăng trên thực tế không phải là một vật thể nguyên thủy. Theo Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), mặt trăng là "một hành tinh đã tiến hóa", nó có sự phân vùng bên trong tương tự như Trái đất, với một lớp vỏ dày và một phần chất lỏng ở sâu bên trong. Sau khi phân tích dữ liệu về các trận động đất trên mặt trăng, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một phần hoạt động địa chấn của nó bắt nguồn từ sự co lại của lớp vỏ mặt trăng do dưới tác dụng của nhiệt độ trong lòng lạnh đi. Điều này đã làm mặt trăng co lại khoảng 45m trong vài trăm triệu năm qua.