Loài chim bắt chước tiếng cả đàn để lừa chim mái giao phối
Các chuyên gia đến từ Mỹ và Australia phát hiện chim lia lớn trống mô phỏng tạp âm của đàn, dọa chim mái sợ hãi để giao phối với chúng.
Khi bị động vật săn mồi tấn công, một số loài chim kêu ầm ỹ như một tín hiệu báo động thôi thúc đồng loại và các loài chim khác tụ tập lại để tự vệ. Đám đông này thường hình thành nhằm bảo vệ con non, sau đó chúng sẽ bay tới, quấy rầy hoặc tấn công động vật săn mồi nhằm đánh lạc hướng hoặc đuổi kẻ thù đi. Chim lia Australia nằm trong số những loài chim bắt chước giỏi nhất thế giới, có cơ quan phát âm phát triển nhất trong thế giới chim biết hót và chuyên bắt chước tiếng hót của loài chim khác, động vật và thậm chí tiếng cưa xích.
Vào mùa sinh sản từ tháng 6 tới tháng 8, chúng kêu khỏe nhất.
"Chim lia lớn trống thường xuyên tạo ra tiếng kêu mô phỏng cả đàn, gợi ý có động vật săn mồi đang ẩn nấp", nhà điểu học Anastasia Dalziell ở Đại học Cornell, cho biết. Điều bất ngờ là chúng chỉ làm vậy trong hai trường hợp: "khi bạn tình tiềm năng tìm cách bỏ đi hoặc trong lúc giao phối".
Trong nghiên cứu, Dalziell và cộng sự thu âm tiếng gọi bạn tình ầm ỹ và chói tai của chim lia trống. Vào mùa sinh sản từ tháng 6 tới tháng 8, chúng kêu khỏe nhất, thường kéo dài tới 4 giờ, chiếm một nửa thời gian Mặt Trời chiếu sáng. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu bất ngờ thu được âm thanh ít nhịp điệu hơn ở cuối vũ điệu tán tỉnh bạn tình, đó là tiếng kêu cảnh báo hoảng loạn của nhiều loài chim. Họ còn bắt gặp một con chim lia trống thực hiện mánh khóe tương tự giữa quá trình giao phối. Các nhà nghiên cứu tin rằng chim lia trống sử dụng âm thanh mô phỏng để tạo ra chiếc bẫy nhằm vào giác quan. Do chim lia mái thường xuyên cảnh giác với động vật săn mồi, chúng rất khó phớt lờ tiếng kêu hỗn tạp của đám đông.
Chiến thuật trên có thể giúp lừa chim mái giao phối ngay tại chỗ, đồng thời đảm bảo thời gian giao phối lâu hơn, qua đó tăng khả năng thụ tinh thành công. Dalziell và cộng sự công bố kết quả nghiên cứu hôm 25/2 trên tạp chí Current Biology.
Nhóm nghiên cứu ghi âm tiếng kêu của chim lia lớn trống. (Video: Đại học Cornell).