Loài khỉ có khả năng "nói" được tiếng người?
Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây, một con khỉ thường xuyên giao tiếp trực tiếp với con người đã học được cách phát âm và kiểm soát hơi thở mà con người vẫn dùng khi nói chuyện.
- Loài vẹt cũng biết phân biệt ngôn ngữ
- Khỉ có thể nhận biết ngữ pháp đơn giản
- Khỉ cũng có tiếng địa phương
Công bố nghiên cứu mới: Loài khỉ có thể 'nói' được tiếng người?
Cô khỉ gorilla có tên Koko có thể giao tiếp rất tốt với những người chăm sóc mình bằng hệ thống ngôn ngữ dấu hiệu. Koko cũng đã phát triển được khả năng kiểm soát hơi thở cũng như những tiếng càu nhàu - những biểu hiện của khả năng nói được tiếng người, một điều mà các nhà khoa học từng nghĩ là không thể xảy ra.
Khỉ có thể giao tiếp rất tốt với những người chăm sóc mình bằng hệ thống ngôn ngữ dấu hiệu.
Hai nhà nghiên cứu là Marcus Perlman thuộc đại học Wisconsin-Madison và Nathaniel Clark thuộc đại học California đã phân tích những đoạn ghi hình dài tổng cộng 71 giờ đồng hồ về sự tương tác giữa Koko và những người chăm sóc nó, và phát hiện ra khả năng hình thành giọng nói ở con vật. Koko đã thực hiện được 9 hành vi tự nguyện đòi hỏi sự kiểm soát thanh quản và hơi thở.
Năm nay đã 44 tuổi, Koko bắt đầu học ngôn ngữ dấu hiệu từ năm 1972 và đã dành hầu hết thời gian để giao tiếp với con người. Từ các đoạn video ghi hình, có thể thấy Koko biết thở hổn hển, càu nhàu, hà hơi lên kính đeo mắt, giả tiếng ho, xì mũi, tự sáng tạo ra dấu hiệu mô tả quả dâu rừng (uốn lưỡi và thổi hơi qua) cũng như thổi vào tay như một cử chỉ giao tiếp.
Các nhà nghiên cứu cho biết những dấu hiệu này chứng tỏ ở những điều kiện xác định, loài khỉ có thể phát triển khả năng kiểm soát linh hoạt hơi thở, cũng như tạo ra những âm thanh thu hút sự chú ý và truyền tải thông điệp giao tiếp.
“Đó là những hành vi do học được mà có, thay vì bắt chước do lặp đi lặp lại. Koko không tạo ra được âm thanh dễ nghe khi thực hiện những hành vi đó. Nhưng nó kiểm soát được thanh quản của mình đủ để phát âm. Koko đã chứng tỏ rằng trong những điều kiện môi trường thích hợp, loài khỉ có thể hình thành sự kiểm soát linh hoạt với những âm thanh chúng phát ra,” Perlman cho biết.
Những năm 1930-1940, nhiều nhà nghiên cứu đã nuôi tinh tinh cùng với những đứa trẻ loài người với hy vọng dạy chúng tiếng nói nhưng đều thất bại. Từ đó đến nay, giới khoa học đã chấp nhận rằng loài khỉ không thể tự kiểm soát khả năng phát âm, thậm chí là hơi thở của chính mình, cho đến khi nghiên cứu này được đưa ra.
Một nghiên cứu mới khác cũng cho thấy việc loài khỉ bonobo giao tiếp bằng những tiếng kêu có âm vực cao đòi hỏi có ngữ cảnh để hiểu được cũng giống như cách những em bé loài người hay làm. Những kết quả nghiên cứu này đã mở ra một cái nhìn mới về cách con người phát triển khả năng dùng ngôn ngữ để giao tiếp.