Loài kiến xâm hại khiến sư tử ăn ít ngựa vằn hơn
Các nhà nghiên cứu phát hiện một loài kiến phàm ăn đang gây ra phản ứng dây chuyền đe dọa sư tử bởi chúng bị mất nơi ẩn nấp để rình mồi.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science, một nhóm nhà khoa học phát hiện một loài kiến xâm hại nhỏ bé và vô hại đang thay đổi tán cây ở vùng hoang dã Đông Phi, khiến sư tử, loài săn mồi nổi tiếng nhất thế giới, khó săn con mồi ưa thích là ngựa vằn hơn, Phys.org hôm 25/1 đưa tin. "Loài xâm hại nhỏ nhoi này đang kéo rời các mối ràng buộc gắn kết hệ sinh thái châu Phi với nhau, quyết định loài vật nào bị ăn thịt và ở đâu", Todd Palmer, nhà sinh thái học kiêm giáo sư ở Khoa sinh vật học tại Đại học Florida, cho biết.
Kiến xâm hại khiến sư tử có ít tán cây để ẩn nấp hơn. (Ảnh: Todd Palmer).
Nghiên cứu kéo dài hơn 3 thập kỷ kết hợp bẫy camera ẩn, đeo vòng cổ theo dõi qua vệ tinh cho sư tử và lập mô hình thống kê. Kết quả phản ánh mạng lưới tương tác phức tạp giữa kiến, cây cối, voi, sư tử, ngựa vằn và trâu rừng. Sự hỗn loạn bắt đầu ở cây keo trong Khu bảo tồn tự nhiên Ol Pejeta ở miền trung Kenya. Loài cây này được bảo vệ khỏi động vật ăn lá bởi một loài kiến làm tổ trong đám chiếc gai phồng ra của cây. Đổi lại cho nơi ở, đàn kiến tích cực bảo vệ cây khỏi voi, hươu cao cổ và động vật ăn cỏ khác. Đây là sự sắp xếp mà các nhà sinh thái học gọi là hỗ sinh (mutualism).
Đầu những năm 2000, Palmer bắt đầu tìm hiểu quan hệ lợi ích phức tạp giữa cây cối và động vật ở Đông Phi. Ông và cộng sự nhận thấy loài kiến nhỏ đóng vai trò bảo vệ cực kỳ mạnh mẽ, giúp ổn định tán cây trong vùng, nhờ đó cây keo có thể sinh tồn ở nơi có quá nhiều động vật có vú ăn lớn ăn cỏ.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học phát hiện sự xuất hiện của côn trùng xâm hại gọi là kiến đầu to (Pheidole megacephala) khơi mào phản ứng dây chuyền, dẫn tới thay đổi trong hành vi giữa động vật ăn thịt và con mồi, có thể đe dọa quần thể sư tử đang ngấp nghé nguy cơ tuyệt chủng. Kiến đầu to rất nhỏ nhưng là thợ săn côn trùng phàm ăn, phá hủy những tổ kiến bảo vệ cây nhưng không ngăn cản động vật lớn ăn lá. Do mất đi lính gác, cây keo bị voi ăn trụi lá.
Sư tử, động vật săn mồi phục kích, dựa vào tán cây để ẩn nấp và rình mồi trước khi vồ ngựa vằn. Tán cây ít hơn có nghĩa sư tử khó phục kích con mồi thành công hơn. Sư tử chuyển hướng chú ý sang trâu rừng. Tuy nhiên, trâu rừng lớn hơn ngựa vằn và tụ tập theo đàn, biến chúng thành con mồi đáng gờm hơn nhiều.
Nghiên cứu thực địa ở Kenya do nhà khoa học kiêm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Đại học Wyoming tiến hành cùng với nhà khoa học Kenya Douglas Kamaru. Palmer, cùng với Jake Goheen đến từ Đại học Wyoming và Corinna Riginos ở tổ chức The Nature Conservancy là đồng tác giả nghiên cứu. Ngoài tìm hiểu hiện tượng, nhóm chuyên gia cho biết họ cũng muốn tìm giải pháp ngăn chặn giảm tán cây ở Đông Phi.