Loài rắn biển kịch độc tái xuất hiện sau 23 năm
Nhóm chuyên gia phát hiện rắn biển mũi ngắn, loài rắn được cho là tuyệt chủng nhiều năm, trong lúc nghiên cứu rạn san hô Ashmore ở bang Western Australia.
Giống như rắn hổ mang, rắn taipan, rắn hổ phì, rắn biển mũi ngắn là thành viên trong họ Rắn hổ. Chúng sở hữu răng nanh ngắn và rỗng, có thể phun nọc độc chứa độc tố thần kinh. Tuy nhiên, khi phát hiện con rắn, các nhà khoa học đều ở trên tàu nghiên cứu trang bị công nghệ robot tiên tiến.
Rắn biển mũi ngắn cuộn tròn ở đáy biển. (Ảnh: Viện Hải dương Schmidt).
"Robot xem xét một chiếc vỏ và các nhà nghiên cứu đang tìm cách gắp nó lên, còn con rắn nằm ngay cạnh đó", Blanche D'Anastasi, chuyên gia về rắn ở Viện Khoa học Hải dương Australia, cho biết. "Họ yêu cầu phóng to và nhận ra ngay đó là một con rắn biển mũi ngắn".
Rắn biển mũi ngắn từng phân bố dồi dào ở rạn san hô Ashmore, theo D'Anastasi, nhưng số lượng của chúng bắt đầu sụt giảm vào thập niên 1970 và biến mất vào đầu những năm 2010, gây lo ngại cho các nhà sinh vật học. Loài vật được cho là tuyệt chủng năm 1998 khi chúng biến mất ở Ashmore, nhưng Kate Sanders, nhà sinh thái học bò sát ở Đại học Adelaide và cộng sự tìm thấy vài quần thể nhỏ sống tách biệt ở ven biển năm 2016.
Tuy nhiên, các cá thể mà Sanders tìm thấy rất khác với những mẫu vật từng được quan sát ở rạn san hô, dấy lên khả năng chúng đại diện cho một loài rắn biển hoàn toàn khác. Ví dụ, chúng có phần đầu nhỏ hơn. Từ ảnh chụp, không thể nhận dạng mẫu vật mới là rắn rạn san hô hay rắn ở ven biển. Con vật nằm cuộn tròn ở đáy biển cách mặt nước 67 m ở vùng chạng vạng của đại dương.
Theo Sanders, địa điểm đó hé lộ 2 khả năng. Một là rắn biển mũi ngắn ban đầu định cư ở rạn san hô tại độ sâu vượt ngoài tầm tiếp cận của con người. Thứ hai là chúng đã mở rộng lãnh thổ sinh sống.