Lọc máu bị nhiễm trùng bằng nam châm
Hơn 1/2 số người nhiễm trùng máu sẽ sớm tử vong. Phương pháp điều trị thông thường là sử dụng kháng sinh. Nhưng ngay cả kháng sinh liều cao cũng chưa chắc đã đủ “ép phê”. Đó là lý do cho sự xuất hiện phương pháp mới: dùng nam châm hút.
Phương pháp này là một nỗ lực nghiên cứu chung giữa Đại học Harvard, nhóm nghiên cứu Empa và Viện Adolphe Merkle.
Các nhà nghiên cứu dùng hạt sắt để phủ lên kháng thể liên kết với vi khuẩn có hại. (Ảnh: Getty Creative).
Đầu tiên, các nhà nghiên cứu dùng hạt sắt để phủ lên kháng thể liên kết với vi khuẩn có hại. Khi tiếp xúc với vi khuẩn, kháng thể làm phần việc phải làm là bám lấy chúng. Sau đó, máu được đưa qua máy lọc, nơi nam châm sẽ hút kháng thể chứa hạt sắt có bám vi khuẩn.
Trở ngại duy nhất mà nhóm nghiên cứu gặp phải là các kháng thể sẽ chỉ bám dính lấy một loại vi khuẩn nhất định. Do đó, nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng máu do nhiều loại vi khuẩn gây ra thì các bác sĩ điều trị sẽ phải thực hiện nhiều lượt xử lý để có thể lọc máu.
Trùng hợp thay, nhóm nghiên cứu đến từ Harvard lại đang thử nghiệm thành công một loại kháng thể tổng hợp cho phép bắt được tất cả các chủng vi khuẩn phổ biến nhất gây ra nhiễm trùng máu.
Tuy nhiên, hiện thử nghiệm này vẫn chưa được áp dụng lên cơ thể người. Việc điều trị bằng phương pháp nam châm cũng chưa có thời gian biểu cụ thể để áp dụng lâm sàng.