Lời cảnh báo chưa từng có tiền lệ tới hàng tỷ người trên Trái đất
Các nhà khoa học cảnh báo rằng thế giới đang trên đà tăng 2,7 độ C và con người sẽ phải hứng chịu thời tiết nắng nóng cực đoan.
Sự nóng lên toàn cầu sẽ đẩy hàng tỷ người ra khỏi môi trường khí hậu thích hợp - từng tạo điều kiện phát triển cho loài người trong hàng thiên niên kỷ - khiến họ phải đối mặt với nhiệt độ và thời tiết khắc nghiệt chưa từng thấy, Guardian ngày 22/5 dẫn ước tình từ một nghiên cứu mới cho biết.
Thế giới đang trên đà tăng 2,7 độ C nếu các kế hoạch hành động tiếp diễn như hiện tại. Điều đó có nghĩa là 2 tỷ người sẽ phải sống trong mức nhiệt độ trung bình hàng năm trên 29 độ C vào năm 2030, mức nhiệt mà rất ít cộng đồng từng sống trước đây.
Trong điều kiện khí hậu hiện tại, nhiệt độ trung bình hàng năm trên 29 độ C nằm giới hạn ở các vùng tối nhỏ ở khu vực Sahara. Vào năm 2070, mức nhiệt này được dự đoán xảy ra trên khắp khu vực được tô bóng trong một kịch bản xấu nhất của biến đổi khí hậu. Màu nền đại diện cho nhiệt độ trung bình hàng năm hiện tại. (Ảnh: Giáo sư Chi Xu, tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc)/Washington Post).
Ai cũng phải đối mặt với tình trạng nóng lên toàn cầu
Các nhà khoa học cho hay có tới một tỷ người có thể chọn di cư đến những nơi mát mẻ hơn, mặc dù những khu vực còn lại trong vùng khí hậu thích hợp vẫn sẽ trải qua các đợt nắng nóng và hạn hán thường xuyên hơn.
Tuy nhiên, hành động khẩn cấp để giảm lượng khí thải carbon và giữ nhiệt độ toàn cầu tăng lên 1,5 độ C sẽ giúp giảm 80% số người bị đẩy ra khỏi môi trường khí hậu thích hợp xuống còn 400 triệu.
Nghiên cứu trên là phân tích đầu tiên về nóng lên toàn cầu ở mức độ này và và áp dụng cho mọi người dân, không giống như các đánh giá kinh tế trước đây về thiệt hại của khủng hoảng khí hậu vốn thiên về người giàu.
Ở các quốc gia có dân số đông và khí hậu ấm áp, hầu hết người dân sẽ bị đẩy ra ngoài môi trường khí hậu thích hợp của con người, Ấn Độ và Nigeria phải đối mặt với những thay đổi tồi tệ nhất.
Ấn Độ đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng khắc nghiệt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hơn một một phần ba số ca tử vong liên quan đến nắng nóng vào mùa hè từ năm 1991-2018 xảy ra do hậu quả trực tiếp của quá trình nóng lên toàn cầu do con người gây ra.
Ấn Độ và Nigeria phải đối mặt với những thay đổi tồi tệ nhất về khí hậu. Trong ảnh, một người đàn ông vác cây quạt giữa đợt nắng nóng ở Kolkata, Ấn Độ. (Ảnh: Reuters).
Giáo sư Tim Lenton tại Đại học Exeter (Anh), người đứng đầu nghiên cứu mới về nóng lên toàn cầu, nói rằng: "Cái giá của sự nóng lên toàn cầu thường được thể hiện bằng các thuật ngữ tài chính nhưng nghiên cứu của chúng tôi nhấn mạnh cái giá phải trả của con người khi không giải quyết được tình trạng khẩn cấp về khí hậu".
Ông nói thêm: "Các ước tính kinh tế hầu như luôn coi trọng người giàu hơn người nghèo, vì họ có nhiều tài sản để mất hơn và họ có xu hướng coi trọng những người đang sống hiện tại hơn những người sẽ sống trong tương lai. Chúng tôi coi mọi người đều bình đẳng trong nghiên cứu này".
Tác động
Giáo sư Chi Xu, tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc), đồng thời là thành viên của nhóm nghiên cứu, chia sẻ: "Nhiệt độ cao như vậy có liên quan đến các vấn đề bao gồm tăng tỷ lệ tử vong, giảm năng suất lao động, giảm hiệu suất nhận thức, học tập kém, ảnh hưởng tiêu cực, khả năng mang thai, giảm năng suất cây trồng, gia tăng xung đột và lây lan bệnh truyền nhiễm".
Giáo sư Marten Scheffer tại Đại học Wageningen (Hà Lan), đồng thời là tác giả chính của nghiên cứu, nêu rõ những người bị đẩy ra ngoài vùng khí hậu thích hợp có thể cân nhắc di cư đến những nơi mát mẻ hơn. Ông nói: “Không chỉ là sự di cư của hàng chục triệu người mà có thể là một tỷ người hoặc hơn thế nữa".
Ý tưởng về các môi trường khí hậu thích hợp cho động vật và thực vật hoang dã đã có từ lâu nhưng nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Nature Sustainability, đã xác định các điều kiện khí hậu mà xã hội loài người đã phát triển mạnh.
Nó cho thấy hầu hết mọi người sống ở những nơi có nhiệt độ trung bình hàng năm dao động trong khoảng 13-25 độ C. Các điều kiện bên ngoài quá nóng, quá lạnh hoặc quá khô có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao hơn, sản lượng lương thực thấp hơn và tăng trưởng kinh tế thấp hơn.
"Môi trường khí hậu thích hợp mô tả nơi con người phát triển và thịnh vượng trong nhiều thế kỷ, nếu không muốn nói là hàng thiên niên kỷ trong quá khứ. Khi con người ở bên ngoài Môi trường khí hậu thích hợp, họ không phát triển được", giáo sư Tim Lenton nói.
Giáo sư Marten Scheffer cho hay: "Chúng tôi rất ngạc nhiên về mức độ hạn chế của con người khi nói đến sự phân bố liên quan tới khí hậu, đó là điều cơ bản mà chúng ta cần đề cập tới".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng các mô hình khí hậu và dân số để kiểm tra những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai về số lượng người bên ngoài vùng khí hậu mà họ xác định là trên nhiệt độ trung bình hàng năm là 29 độ C.
Họ cho biết có 60 triệu người sống bên ngoài môi trường khí hậu thích hợp và tiếp xúc với nhiệt độ nguy hiểm. Tuy nhiên với mỗi lần nhiệt độ toàn cầu tăng 0,1 độ C so với mức 1,2 độ C của hiện tượng nóng lên toàn cầu do con người gây ra hiện nay, sẽ có thêm 140 triệu người bị đẩy ra khỏi môi trường khí hậu thích hợp.
Nhiều quốc gia tại khu vực Đông Nam Á hứng chịu thời tiết khô hạn và nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 4 và tháng 5. (Ảnh: Reuters).
Nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng lên 2,7 độ C, sự nóng lên kết hợp với dân số toàn cầu ngày càng tăng đồng nghĩa với việc sẽ có 2 tỷ người sống bên ngoài môi trường khí hậu thích hợp vào năm 2030 và 3,7 tỷ người vào năm 2090.
Trong trường hợp xấu nhất, khí hậu nóng lên sẽ nhạy cảm hơn hơn dự kiến so với sự gia tăng khí nhà kính, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 3,6 độ C và khiến gần một nửa dân số thế giới nằm ngoài vùng khí hậu thích hợp.
Cách giải quyết thực trạng
Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc cắt giảm nhanh và sâu lượng khí thải để giữ nhiệt độ ở mức 1,5 độ C sẽ làm giảm đáng kể số lượng người bên ngoài môi trường khí hậu thích hợp.
Ví dụ, 90 triệu người ở Ấn Độ sẽ sống với nhiệt độ trung bình trên 29 độ C, so với 600 triệu người nếu nhiệt độ toàn cầu tăng lên 2,7 độ C. Các quốc gia khác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiệt độ cao bao gồm Indonesia, Philippines và Pakistan.
Giáo sư Tim Lenton khẳng định nghiên cứu nhấn mạnh "sự bất bình đẳng lớn" của tình trạng khẩn cấp khí hậu với những người có lượng khí thải thấp phải chịu những thay đổi lớn nhất khi tiếp xúc với nhiệt độ cực cao.
Ông cho biết lựa chọn thiết thực và tức thời nhất để thích ứng với nhiệt độ cao là tăng không gian xanh ở các thành phố. Ông nói: "Điều này có thể giảm 5 độ C khỏi nhiệt độ khắc nghiệt và cung cấp bóng mát, điều đó thật tuyệt vời".
Tiến sĩ Richard Klein, tại Viện Môi trường Stockholm (Thụy Điển), không phải là thành viên của nhóm, nói rằng: "Điều mà nghiên cứu này chỉ ra rất rõ ràng là sự chịu đựng trực tiếp của con người mà biến đổi khí hậu có thể gây ra, sống bên ngoài những nơi thích hợp có nghĩa là phải chịu đựng cái nóng không thể chịu nổi và có thể khí hậu ẩm ướt".
Tiến sĩ Laurence Wainwright tại Đại học Oxford (Anh), nhận định: “Con người đã quen sống ở những khu vực cụ thể với nhiệt độ nhất định. Khi mọi thứ thay đổi, các vấn đề nghiêm trọng sẽ nảy sinh, cho dù về sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, tội phạm và bất ổn xã hội".