Lý do khiến châu Âu hóa thành "chảo lửa"
Các chuyên gia cho rằng biến đổi khí hậu khiến các đợt sóng nhiệt diễn ra thường xuyên, kéo dài và dữ dội hơn, thúc đẩy cháy rừng lan rộng.
Nắng nóng và cháy rừng thiêu đốt châu Âu
Lính cứu hỏa xử lý đám cháy bùng phát gần Landiras, vùng Gironde, tây nam nước Pháp, hôm 15/7. (Ảnh: Reuters/SDIS 33)
Pháp đang trải qua đợt nắng nóng lớn thứ 2 kể từ đầu Hè khi phần lớn các tỉnh tại nước này đều đã được đặt dưới cảnh báo cấp độ 2-3, trong đó nhiệt độ tại một số địa phương ở Tây Nam có thể lên tới 40 độ C và sẽ kéo dài trong nhiều ngày tới.
"Chúng ta đang trải qua một mùa vô cùng khắc nghiệt. Số lượng rừng bị đốt cháy nhiều gấp 3 lần so với năm 2020", tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết hôm 15/7.
Cư dân và khách du lịch ở nhiều khu vực thuộc Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đang phải sơ tán do cháy rừng, BBC hôm 17/7 đưa tin. Các đám cháy do một sóng nhiệt mạnh thúc đẩy, một số đám cháy thậm chí kéo dài suốt vài tuần.
Tại Pháp, hơn 12.000 người phải rời khỏi vùng Gironde trong vài ngày qua, khi hơn 1.000 nhân viên cứu hỏa cố gắng kiểm soát cháy rừng, theo chính quyền Nouvelle-Aquitaine và Gironde. Cơ quan thời tiết của Pháp dự báo các kỷ lục mới về nhiệt có thể được thiết lập trong ngày 18/7.
Trực thăng ngăn chặn đám cháy tại khu bảo tồn thiên nhiên Garganta de los Infiernos, Tây Ban Nha, hôm 17/7. (Ảnh: Reuters/Isabel Infantes)
Kể từ hôm 12/7, nhiệt độ có lúc chạm ngưỡng 47 độ C ở Bồ Đào Nha và trên 40 độ C ở Tây Ban Nha, khiến những vùng ngoài đô thị trở nên khô cằn và dễ cháy. Khoảng 2.300 người phải sơ tán khỏi các vùng miền nam Tây Ban Nha do cháy rừng lan rộng.
Bồ Đào Nha cũng chịu thiệt hại do cháy rừng. 5 khu vực ở miền trung và miền bắc nước này được đặt trong tình trạng báo động đỏ hôm 15/7, khi hơn 2.000 nhân viên cứu hỏa phải xử lý 4 đám cháy lớn. Cháy rừng ở nước này đã phá hủy 30.000 ha đất trong năm nay - diện tích lớn nhất kể từ hè năm 2017.
Các nước châu Âu khác, bao gồm Italy và Hy Lạp, cũng đang xảy ra cháy rừng. Tại Hy Lạp, cơ quan dân phòng đang nỗ lực dập tắt ngọn lửa hoành hành trên đảo Crete ở Địa Trung Hải.
Máy bay cứu hỏa thả chất chống cháy để dập lửa ở Guillos trong bối cảnh cháy rừng lan rộng ở vùng Gironde, tây nam nước Pháp, hôm 16/7. (Ảnh: Reuters/Sarah Meyssonnier)
Điều gì khiến cháy rừng càn quét châu Âu?
Giới chuyên gia chưa rõ chính xác các vụ cháy rừng bắt đầu như thế nào. Tuy nhiên, đa số đám cháy thường xuất phát từ hoạt động của con người như đốt lửa hoặc tiệc nướng, theo BBC. Lửa sẽ lan nhanh hơn và xa hơn trong thời tiết khô nóng.
Các đợt sóng nhiệt đang trở nên thường xuyên hơn, dữ dội hơn và kéo dài hơn do biến đổi khí hậu - tình trạng do hoạt động của con người gây ra. Biến đổi khí hậu làm tăng nguy cơ thời tiết khô nóng, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cháy rừng.
Sóng nhiệt ở châu Âu gia tăng về cả tần suất lẫn cường độ trong 4 thập kỷ qua. Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications đầu tháng 7, sự thay đổi ở châu Âu diễn ra nhanh hơn so với những khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả những điểm nóng như miền Tây nước Mỹ.
Sóng nhiệt hiện tại ở châu Âu hình thành do dòng tia (dòng khí hẹp dài, uốn khúc và di chuyển nhanh trong khí quyển) dịch chuyển về phía bắc, theo Ben Rich, chuyên gia dự báo thời tiết của BBC. Một phần của dòng tia tách ra tạo thành vùng áp suất thấp ở phía tây Bồ Đào Nha, hoạt động như một chiếc bơm, bơm nhiệt lên phía bắc, đến khu vực Tây Âu bao gồm Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
"Biến đổi khí hậu đang thúc đẩy đợt sóng nhiệt này, cũng giống như thúc đẩy mọi đợt sóng nhiệt khác hiện nay. Khí nhà kính từ quá trình đốt những nhiên liệu hóa thạch như than đá, khí và dầu khiến các sóng nhiệt trở nên nóng hơn, kéo dài hơn và xảy ra thường xuyên hơn", Friederike Otto, giảng viên cấp cao về khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, giải thích trên tờ Guardian.
Một nhà hàng bị thiêu rụi gần La Teste-de-Buch, tây nam nước Pháp hôm 15/7. (Ảnh: Thibaud Moritz/AFP)
Cảnh báo của giới chuyên gia
Sóng nhiệt khiến người dân có nguy cơ say nắng, kiệt sức vì nóng và chết đuối do đổ xô đi tắm mát. Thú cưng và động vật chăn nuôi trong nông trại cũng dễ bị tổn thương. "Kể cả người khỏe mạnh cũng có nguy cơ chịu ảnh hưởng xấu về sức khỏe. Tuy nhiên, nhóm dễ tổn thương nhất là trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền", tiến sĩ Eunice Lo, nhà khoa học khí hậu tại Đại học Bristol, cho biết.
Nắng nóng khắc nghiệt cũng có thể gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng, ví dụ làm chảy vật liệu mặt đường và khiến đường ray cong vênh. "Sóng nhiệt càng kéo dài thì tác động càng lớn đối với vấn đề cháy rừng và sức khỏe của người dân", Rubén del Campo, phát ngôn viên của cơ quan khí tượng Tây Ban Nha, nói với tờ New York Times.
Thế giới đã ấm lên khoảng 1,1 độ C kể từ khi thời đại công nghiệp bắt đầu và nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng nếu các nước không cắt giảm mạnh lượng khí thải carbon. Nhiệt độ tăng là một dấu hiệu của biến đổi khí hậu và ở Anh, mỗi năm có thêm 2.000 người chết do sóng nhiệt, theo Lo.
10 năm nóng nhất ở Anh kể từ năm 1884 đều là từ năm 2002 đổ lại. "Trên toàn cầu, sóng nhiệt ngày càng phổ biến và kéo dài hơn. Chúng ta cần ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch, phải hành động ngay và thật nhanh chóng", Lo cảnh báo.