Lý do không nên test kháng thể cho người tiêm vaccine Covid-19

Xét nghiệm kháng thể không thể khẳng định một người nào đó mắc Covid-19. Những người đã tiêm chủng cũng có thể cho ra kết quả âm, dương tính giả.

Xét nghiệm kháng thể là phương pháp giúp phát hiện người có kháng thể chống lại nCoV và hiểu được sự phát tán của virus. Trên thế giới, các hướng dẫn từ cơ quan y tế của nhiều nước như Mỹ, châu Âu đều khuyến cáo không sử dụng loại xét nghiệm này với những người đã tiêm vaccine Covid-19.

Xét nghiệm kháng thể là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), xét nghiệm kháng thể hoặc huyết thanh học là phương pháp dùng để tìm kiếm những kháng thể trong máu chống lại nCoV.

Kháng thể là một phần của hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các phần tử ngoại lai xâm nhập như virus, vi khuẩn, hóa chất hoặc chất độc. Mỗi kháng thể được sản xuất là duy nhất, hay nói cách khác nó đặc hiệu với riêng từng loại virus, vi khuẩn.

Kháng thể của hệ miễn dịch (protein globulin) gồm 5 loại IgM, IgG, IgE, IgA, và IgD. Trong đó, 3 loại thường xuyên nhất được dùng trong các xét nghiệm là IgM, IgG và IgE. IgM và IgG kháng thể làm việc cùng nhau để bảo vệ, sản xuất ngắn hạn và lâu dài chống lại nhiễm trùng. Kháng thể IgE chủ yếu liên quan đến dị ứng.

Lý do không nên test kháng thể cho người tiêm vaccine Covid-19
Kháng thể là protein lớn, hình chữ Y, được hệ thống miễn dịch sử dụng để xác định và vô hiệu hóa các vật thể lạ như vi khuẩn và virus gây bệnh xâm nhập. (Ảnh: Shutter Stock).

Xét nghiệm kháng thể trong sàng lọc Covid-19 là đi tìm kháng thể chống lại nCoV đang có trong cơ thể của người bệnh. Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính có thể cho thấy người đó đang mắc bệnh hoặc đã từng nhiễm nCoV.

Hiện nay có 2 kỹ thuật để tìm kháng thể là ELISA và sắc ký miễn dịch (xét nghiệm/test nhanh). Kỹ thuật ELISA giúp định lượng nồng độ kháng thể IgM và IgG trong máu. Test nhanh định tính kháng thể tương tự que thử thai.

Dù vậy, xét nghiệm này chỉ quan trọng khi sử dụng trong cộng đồng để hiểu được sự phát tán của nCoV, phát hiện người có kháng thể, có khả năng tự bảo vệ trước virus. Nó quan trọng với cộng đồng, song không dùng để chẩn đoán một người có đang nhiễm nCoV hay không. Để khẳng định, chúng ta phải dùng xét nghiệm rRT-PCR.

Kháng thể cần thời gian để sinh ra khi một người bị bệnh, vì thế xét nghiệm kháng thể sẽ không chính xác với những người mới vừa mắc bệnh. Nó có thể gây ra tình trạng dương tính giả hoặc âm tính giả.

Xét nghiệm kháng thể với người tiêm vaccine Covid-19 là vô nghĩa?

Theo CDC Mỹ, xét nghiệm kháng thể không được khuyến khích để xác định một người có miễn dịch với nCoV sau khi tiêm chủng hay không. Test kháng thể cũng được khuyến cáo không nên sử dụng để quyết định một người nào đó có đủ điều kiện tiêm vaccine Covid-19 không.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cũng có cảnh báo tương tự về việc không xét nghiệm kháng thể, test nhanh với những người đã tiêm vaccine Covid-19. Nếu kết quả xét nghiệm không chính xác, nguy cơ tiềm ẩn khiến dịch bùng phát, người xét nghiệm âm tính chủ quan là rất cao.

Tiến sĩ Tim Stenzel, Trung tâm Thiết bị và Sức khỏe X-quang của FDA, cho biết: "Các xét nghiệm kháng thể có thể quan trọng để xác định ai là người đã tiếp xúc với nCoV. Song, nó không được sử dụng để xác định người đó có miễn dịch được với Covid-19 hay không, nhất là với người đã tiêm phòng vaccine".

Lý do không nên test kháng thể cho người tiêm vaccine Covid-19
Test kháng thể Covid-19 không có giá trị khẳng định với người đã tiêm vaccine. (Ảnh: The Atlantic).

Trong khi đó, Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI) khẳng định hầu hết người đã tiêm chủng không cần làm xét nghiệm kháng thể. Bởi test kháng thể được thiết kế để dùng cho những người chưa tiêm vaccine Covid-19, hiện nay, chưa có dữ liệu hay nghiên cứu nào về việc sử dụng nó với những người này cũng như ảnh hưởng của vaccine tới kết quả của xét nghiệm.

Theo GAVI, về bản chất, một người đã tiêm vaccine Covid-19 có thể xét nghiệm kháng thể cho kết quả âm tính hoặc dương tính. Nếu người đó đã tiêm chủng nhưng không nhiễm nCoV, kết quả có thể là âm tính vì “bộ tìm kiếm” của xét nghiệm không phát hiện kháng thể do vaccine mà họ tiêm tạo ra.

Hiểu đơn giản loại test mà bạn được sử dụng nhằm tìm ra kháng thể A, nhưng vaccine Covid-19 mà bạn tiêm giúp tạo ra kháng thể B. Khi xét nghiệm, kết quả âm tính là điều hoàn toàn bình thường.

Ngoài ra, cơ thể cần ít nhất 2 tuần sau tiêm để sinh kháng thể. Vì vậy, ngay cả khi xét nghiệm phát hiện đúng kháng thể phù hợp, kết quả vẫn có thể là âm tính trong vài tuần đầu sau tiêm chủng.

Lúc này, kết quả xét nghiệm âm tính có thể gây hiểu lầm vaccine Covid-19 không có hiệu quả, không tạo được kháng thể bảo vệ.

Ngược lại, xét nghiệm kháng thể cũng có thể cho kết quả dương tính. Bởi người đã tiêm vaccine Covid-19 hay từng nhiễm nCoV đều có thể cho ra kết quả này.

Lý do không nên test kháng thể cho người tiêm vaccine Covid-19
Người tiêm vaccine Covid-19 có thể cho kết quả test kháng thể âm tính hoặc dương tính. (Ảnh: Adobe Stock).

Test kháng thể không thể khẳng định vaccine đang hoạt động hiệu quả. Kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính sau tiêm vaccine Covid-19 cũng không có nghĩa cơ thể của bạn đã được bảo vệ và không mắc bệnh.

NPR dẫn lời của tiến sĩ Elitza Theel, Trưởng phòng thí nghiệm huyết thanh học, các bệnh truyền nhiễm của Mayo Clinic, khẳng định xét nghiệm kháng thể không thể "vẽ ra bức tranh đầy đủ". Nó chỉ xác định một phần nhỏ trong cả hệ thống miễn dịch. Để chống lại Covid-19, chúng ta không chỉ cần mỗi kháng thể mà còn rất nhiều yếu tố khác.

Các kháng thể thường xuất hiện từ 7 đến 11 ngày sau khi một người nhiễm nCoV. Song, theo FDA, chúng ta chưa rõ kháng thể tồn tại bao lâu sau khi cơ thể bị lây virus cũng như mức độ miễn dịch bảo vệ mà kháng thể đó mang lại.

Trong nhiều trường hợp, một người có thể dương tính với kháng thể của nCoV ngay cả khi họ không có kháng thể đặc hiệu. Đây là hiện tượng dương tính giả.

Test kháng thể với người đã tiêm vaccine Covid-19 được xem là lãng phí và không có giá trị khẳng định vì tỷ lệ sai sót kết quả cao. Trên thực tế, một người đã tiêm vaccine Covid-19 vẫn có nguy cơ bị nhiễm bệnh. Để khẳng định họ có nhiễm nCoV hay không, chúng ta cần xét nghiệm khẳng định rRT-PCR.

Đặc biệt, sau khi tiêm chủng, bạn vẫn cần tuân thủ các quy tắc phòng dịch như không đến nơi đông người, không tụ tập, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và ăn chín, uống sôi, nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường sức đề kháng.

Từ khóa liên quan:
Loading...
TIN CŨ HƠN
Chưa biến chủng Covid-19 nào đủ sức đánh bại Delta

Chưa biến chủng Covid-19 nào đủ sức đánh bại Delta

Không phải các biến chủng " đáng quan tâm" như Lambda hay Mu, các nhà khoa học mới đây cho biết những làn sóng lây nhiễm Covid-19 vẫn do biến chủng Delta thống trị.

Đăng ngày: 13/09/2021
Vì sao vaccine Covid-19 không có hiệu quả trọn đời?

Vì sao vaccine Covid-19 không có hiệu quả trọn đời?

Không giống như vaccine dành cho một số căn bệnh nguy hiểm khác như sởi, bạch hầu, uốn ván, hiệu quả bảo vệ của vaccine Covid-19 suy giảm chỉ sau một thời gian ngắn.

Đăng ngày: 13/09/2021
Moderna phát triển vắc xin

Moderna phát triển vắc xin "2 trong 1" ngừa cả Covid-19 lẫn cúm

Vắc xin " 2 trong 1" kết hợp vắc xin ngừa cúm và vắc xin ngừa COVID-19 là một thông tin tích cực rất được quan tâm. Thông tin này đã giúp cho cổ phiếu của Moderna tăng thêm 6,2% trong ngày 9-9.

Đăng ngày: 12/09/2021
Thiết bị mới ở Thái Lan phát hiện Covid-19 qua mồ hôi nách

Thiết bị mới ở Thái Lan phát hiện Covid-19 qua mồ hôi nách

Các nhà nghiên cứu Thái Lan đang phát triển thiết bị di động có thể phát hiện virus corona qua mồ hôi. Việc lấy mẫu mất 15 phút, máy cho kết quả sau 30 giây.

Đăng ngày: 11/09/2021
Giáo sư Weissman phát triển vaccine chống mọi virus corona

Giáo sư Weissman phát triển vaccine chống mọi virus corona

Nhiều thập kỷ nghiên cứu của Drew Weissman đã giúp hàng tỷ người được tiêm vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA, nhưng ông vẫn chưa dừng lại.

Đăng ngày: 11/09/2021
Nghiên cứu mới: 36% người từng mắc Covid-19 không phát triển kháng thể

Nghiên cứu mới: 36% người từng mắc Covid-19 không phát triển kháng thể

Một nghiên cứu mới từ Đại học Pennsylvania cho thấy, 36% những người từng mắc Covid-19 không phát triển kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 trong máu.

Đăng ngày: 09/09/2021
Phát hiện mới về những người có siêu kháng thể với Covid-19

Phát hiện mới về những người có siêu kháng thể với Covid-19

Các nhà khoa học phát hiện một số người có hệ miễn dịch phản ứng rất mạnh trước các biến chủng của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến chủng siêu lây nhiễm Delta.

Đăng ngày: 09/09/2021
Tiêu điểm
Khoa Học News