Lý giải mới về việc vì sao con người hôn nhau
Dù rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa đưa ra được lời giải chính xác nhất cho việc tại sao chúng ta lại hôn nhau.
Mới đây, các nhà khoa học Mỹ đưa thêm giả thuyết để lý giải hành động được coi là bản năng này. Theo đó, chúng ta hôn nhau là vì cả hai cảm thấy hưng phấn và kích thích. Khi đôi môi của cả hai hòa quyện, chúng sẽ khiến các giác quan trên cơ thể hoạt động mạnh hơn.
Nói đơn giản, khi hôn, não bộ sẽ phát hành dopamine - gây ra cảm giác hưng phấn. Mặt khác, não bộ cùng lúc đó sẽ chỉ huy tiết ra oxytocin mang lại cảm giác gần gũi, ham muốn. Điều này kích thích các cặp đôi gắn kết với nhau dài lâu hơn.
Bên cạnh đó, sau khi tiến hành cuộc nghiên cứu với các cặp đôi, Susan Hughes - nhà tâm lý học thuộc Đại học Albright (Mỹ) đưa ra kết luận: "Không chỉ đem lại sự hưng phấn và kích thích, phái yếu có xu hướng dùng nụ hôn để tạo sự thân thiết với một nửa của họ, qua đó có thể giúp cô ấy đánh giá “tiềm năng” của nửa kia. Phái mạnh thì dùng nụ hôn như là hành động khiến tình yêu của mình thêm ngọt ngào”.
Nghiên cứu trước đây của các nhà nhân chủng học chỉ ra, hôn được coi là bản năng vốn có của con người - là hành động trực giác mà khi cảm xúc yêu đương được đẩy lên cao, tự nó sẽ dẫn tới việc trao đi nụ hôn.
Điều này cũng đúng ở các loài động vật như khi muốn thể hiện sự thân thiết, chúng thường cọ mũi với nhau, một số khác thì "khóa môi" như con người.
Một số nhà nghiên cứu lại cho rằng, hành động hôn của con người là do thiên bẩm, bắt chước hành động người xưa đã làm. Ngày xưa, các bà mẹ thường nhai và mớm đồ ăn cho con. Hành động đó vẫn được duy trì cho tới bây giờ.
Nhưng dù nguyên nhân là gì thì hầu hết mọi người đều công nhận, con người vẫn sẽ hôn bởi nụ hôn khiến họ cảm thấy thoải mái. Môi và lưỡi của chúng ta có vô số dây thần kinh, giúp tăng cường cảm giác và sự hưng phấn khi "khóa môi". Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra vô số lợi ích không ngờ từ nụ hôn.