Mảnh tên lửa Nga có thể rơi mất kiểm soát xuống Trái đất
Tầng trên của tên lửa đẩy Angara A5 gặp sự cố khi khai hỏa và mắc kẹt ở quỹ đạo tầm thấp, có thể rơi xuống Thái Bình Dương vào hôm nay 6/1.
Tên lửa Angara A5 cất cánh tại sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga, tháng 12/2021. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)
Tên lửa đẩy hạng nặng Angara A5 thế hệ mới mang theo vệ tinh giả phóng lên không gian từ sân bay vũ trụ Plesetsk, Nga, hôm 27/12. Angara A-5 đóng vai trò quan trọng trong tham vọng của Nga nhằm đưa vệ tinh do thám và vệ tinh điều hướng lên quỹ đạo trong những năm tới. Phương tiện phóng hạng nặng này cũng có thể đưa robot, thậm chí con người, lên Mặt Trăng theo chương trình hợp tác với Trung Quốc.
Theo kế hoạch, tên lửa phải đưa vệ tinh giả lên quỹ đạo nghĩa địa (quỹ đạo rác) cao hơn 35.000km so với bề mặt Trái đất. Vụ phóng ban đầu diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, sự cố khi khai hỏa Persei - tầng trên của tên lửa - khiến nó mắc kẹt ở quỹ đạo Trái đất thấp với độ cao khoảng 200 km.
Quỹ đạo này đồng nghĩa Persei sẽ nhanh chóng hạ thấp và rơi trở lại Trái đất. Các chuyên gia cho rằng nhiều khả năng nó sẽ rơi xuống Thái Bình Dương nhưng chưa thể dự đoán chính xác vị trí.
Nhiều tầng tên lửa và vệ tinh đã rơi trở lại khí quyển dưới sự kiểm soát chặt chẽ, nghĩa là các cơ quan vũ trụ biết chính xác thời gian và địa điểm rơi. Nhưng điều này không xảy ra với tầng tên lửa Persei. Nó sẽ rơi mất kiểm soát và rất khó dự đoán chính xác những mảnh vỡ không cháy rụi trong khí quyển (nếu có) sẽ đáp xuống đâu.
Dịch vụ theo dõi không gian NORAD của Mỹ cũng phát hiện một vật thể không xác định đánh số 50505. Các chỉ số cho thấy vật thể này rất giống với tầng tên lửa Persei cùng vệ tinh giả mắc kẹt ở quỹ đạo tầm thấp.
Nhà thiên văn Joseph Remis theo dõi quỹ đạo tầng tên lửa và dự đoán nó sẽ rơi lúc 15h02 ngày 6/1 (giờ Hà Nội) với sai số khoảng 14 tiếng. Trong khi đó, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard - Smithsonian ước lượng tầng tên lửa cùng hàng hóa nặng khoảng 4 tấn và một số mảnh vỡ nhỏ có thể đáp xuống bề mặt Trái đất.