Mặt trái của "thần dược" ngành trồng trọt
Phân bón hóa học được giới nông dân xem như "thần dược" cho ngành trồng trọt từ giữa thế kỷ 19 vì nó giúp tăng năng suất và sản lượng của cây trồng. Sử dụng phân bón hóa học đã giúp cải thiện định lượng dinh dưỡng cho cây trồng và tăng trưởng nhanh hơn.
Cách tiếp cận nông nghiệp theo mô hình công nghiệp đã và đang thống trị nền nông nghiệp trong gần một thế kỷ qua khiến đất đai bị suy thoái nghiêm trọng, đồng thời nâng sự lạm dụng phân bón và thuốc trừ sâu lên những cấp độ rất cực đoan, đến mức cách tiếp cận này đang dần tiệm cận điểm giới hạn về năng suất, dù rằng dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng thêm 2 tỉ người tới năm 2050.
Kết quả là hành tinh của chúng ta đang tiến nhanh vào một tương lai mà tại đó, nạn đói trên diện rộng là một khả năng rất có thể sẽ xảy ra, thậm chí chính hoạt động nông nghiệp lại là nhân tố góp phần tạo ra các điều kiện thúc đẩy nạn đói.Mọi việc lẽ ra không nhất thiết phải diễn ra theo chiều hướng này. Phong trào hữu cơ phát triển song song với nền nông nghiệp, công nghiệp và từ tận những năm 1920 nó đã cung cấp những bằng chứng đầy thuyết phục về sự ưu việt của phương pháp trồng trọt tự nhiên.
Phân bón được coi là thần dược của ngành trồng trọt. (Ảnh: European Biogas Association).
Năm 1905, nhà thực vật 32 tuổi người Anh Albert Howard cùng người vợ Gabrielle 29 tuổi, một nhà sinh lý học thực vật, đã thực hiện một chuyến phiêu lưu tuyệt vời. Không lâu sau khi cưới, họ lên đường tới trung tâm nông nghiệp Pusa ở vùng đông bắc Ấn Độ để thực hiện các hoạt động nghiên cứu tại viện nông nghiệp hàng đầu của quốc gia này nhằm tìm kiếm phương pháp trồng ra các giống lúa mỳ và bông khỏe mạnh hơn.
Cả hai đều sở hữu bằng cấp của Đại học Cambridge danh giá, nên theo lẽ thường hẳn là họ sẽ coi những người nông dân ở vùng đất này là những kẻ lạc hậu. Nhưng không phải thế, khi tới thăm cánh đồng của những người nông dân này, hai vợ chồng nhận ra rằng họ đã rất xuất sắc khi làm theo các kỹ thuật cổ đại của phương pháp mà ngày nay chúng ta gọi là phương pháp trồng trọt hữu cơ.
Một người bạn của Albert cùng làm việc với hai vợ chồng ông trong thời gian đó kể lại rằng Albert “lúc nào cũng nói rằng những điều mà ông ấy học được từ người nông dân trên cánh đồng của họ còn nhiều hơn so với những gì mà ông ấy học được từ sách vở”.
Từ giữa thế kỷ 19, phân bón hóa học đã được tôn vinh là “thần dược” cho ngành trồng trọt, đặc biệt là các hóa chất nitrogen (ni-tơ), potassium (kali), và phosphate. Lớp đất mặt trên đất canh tác của những người nông dân đó vốn tương đối ít các chất dinh dưỡng này, thế nhưng họ vẫn tạo ra được những vụ mùa bội thu rất ấn tượng.Bằng cách nào vậy?
Trên đất canh tác họ trồng luân phiên các loại cây có rễ sâu, bao quanh đó là cây ăn quả và các loại cây khác, và hệ thống rễ của tất cả các cây trồng này trở thành phân bón tự nhiên, bơm dưỡng chất vào đất rồi phát tán chúng rộng khắp. Kết quả nghiên cứu đất của họ cũng cho thấy rất nhiều loại vi khuẩn sống nhờ vào nguồn khoáng chất trong đất chính là nguồn dưỡng chất tự nhiên bổ sung trong khi việc sử dụng hóa chất lại giết chết chúng. Đất của những người nông dân này có sức sống và biết tự tạo ra các loại phân bón hữu cơ cho mình.
Vợ chồng Howard nhận ra rằng việc bảo tồn sức sống của đất và tốt hơn nữa là làm giàu hàm lượng các chất hữu cơ trong đất, chính là chìa khóa để xây dựng nên một nền sản xuất vừa có năng suất cao lại vừa lành mạnh. Ngược lại, phân bón hóa học giết chết đất.
Sau khi nhận ra được điều đó, vợ chồng Howard bắt tay vào giúp nông dân làm giàu thêm nữa cho đất đai của mình bằng cách phát triển các kỹ thuật tạo chất mùn (ngày nay thường được gọi là phân bón hữu cơ) của người Trung Quốc và Ấn Độ cổ đại, biến chúng trở thành một lĩnh vực khoa học hoàn chỉnh về phân hữu cơ.
Cộng đồng nông nghiệp toàn cầu không phải không chú ý đến những phát hiện của vợ chồng Howard. Năm 1931, sau khi Gabrielle qua đời, Albert lên tàu trở về Anh. Trên hành trình đi vòng qua châu Phi này, ông được những người trồng cà phê ở Kenya đang áp dụng các phương pháp mà ông phổ biến mời ghé lại chơi. Những người trồng chè ở Assam và Ceylon cũng vậy.
Vài năm sau ở Anh, Albert cùng với nhiều nhà cách tân nổi bật nhất trong lĩnh vực nông nghiệp ở quốc gia này, trong đó bao gồm các vị bá tước, tử tước, và huân tước, đã tập hợp nhau lại trong một hội nghị chuyên đề thu hút được rất nhiều sự quan tâm về các phương pháp trồng trọt hữu cơ. Một nhà quý tộc trong số đó là Huân tước xứ Northbourne, hay còn gọi là Walter James, đã nghĩ ra thuật ngữ “nông nghiệp hữu cơ” và viết về nó trong cuốn sách Look to the Land (tạm dịch: Nhìn về đất) được xuất bản năm 1940.
Bản thân Albert Howard cũng viết một loạt cuốn sách trong hai thập niên 1930 và 1940 để quảng bá các phương pháp trồng trọt hữu cơ, trong đó nổi tiếng nhất là hai cuốn An Agricultural Testament (tạm dịch: Thánh kinh về nông nghiệp) và The Soil and Health (tạm dịch: Đất và sức khỏe) được đón nhận rộng rãi và nhận được nhiều lời ca ngợi.
Nhưng theo những gì mà người vợ thứ hai của ông tiết lộ trong một bài viết tưởng nhớ ông sau khi ông qua đời vào năm 1947, những người này cũng “gợi lên thái độ miệt thị ban đầu và sau đó sự chống trả điên cuồng” từ các công ty kinh doanh hóa chất và những người cuồng hóa chất.
Trong cuốn sách The Omnivore’s Dilemma (tạm dịch: Nan đề của loài ăn tạp), phóng viên Michael Pollan đã chỉ ra rằng một trong những sự trùng hợp ngẫu nhiên đầy tính mỉa mai của lịch sử là năm mất của Albert Howard cũng đồng thời là năm mà một nhà máy có quy mô rất lớn do chính phủ Mỹ xây dựng ở Muscle Shoals, Alabama trong Thế chiến I để sản xuất thuốc nổ Ammonium nitrate được cải tạo thành nhà máy sản xuất phân bón hóa học.
Nhà máy ở Muscle Shoals cùng với chín cơ sở tương tự khác do chính phủ vận hành đã được bán lại cho các nhà sản xuất phân bón tư nhân và các công ty này đã đẩy mạnh việc sản xuất phân bón, từ đó góp phần hạ thấp giá thành sản phẩm. Cùng lúc đó, chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách khuyến khích người nông dân mua phân bón hóa học với số lượng ngày càng lớn hơn để họ có thể áp dụng một mô hình canh tác mới, đối lập với hệ thống hữu cơ mà Howard khởi xướng.