Mon men đến gần, chó rừng bị "quái điểu" dọa chạy bán sống bán chết
Mặc dù sở hữu số đông và phản xạ nhanh nhẹn, xong chó rừng háu đói không có cơ hội khi đương đầu với kẻ địch có chiều cao lên tới 1,3 mét.
Đoạn video hài hước được ghi lại ở Khu bảo tồn quốc gia Maasai Mara (Kenya) khi một vài con chó rừng tò mò đã mon men tiếp cận một con chim thư ký - loài chim được mệnh danh là "quái điểu" vì cách săn mồi độc đáo và vô cùng mạnh mẽ.
Rõ ràng, mặc dù sở hữu số đông và phản xạ nhanh nhẹn, song bầy chó rừng háu đói không có cơ hội khi đương đầu với kẻ địch có chiều cao lên tới 1,3 mét. Con chó tội nghiệp dùng mọi cách như lẻn ra phía sau, rồi hạ thấp trọng tâm để rình bắt khi kẻ thù sơ hở.
Thế nhưng khi "quái điểu" phát hiện ra hành động bất thường và lao tới, đồng thời dang rộng hai cánh đầy đe dọa, chó rừng đã sợ hãi mà bỏ chạy gần như không dám quay đầu lại phía sau.
Chim thư ký, hay diều ăn rắn (Sagittarius serpentarius) là loài chim săn mồi to lớn, chủ yếu sống trên mặt đất. Nó là loài đặc hữu của châu Phi, thường được tìm thấy trên các đồng cỏ và xavan thưa cây cối trong khu vực hạ Sahara.
Chúng thường được gọi là Chim thư ký (Secretarybird) vì chỏm lông trên đầu chúng giống như những cây bút lông hay giắt trên đầu của những người thư ký ở châu Âu trung đại.
Chim thư ký được mệnh danh là "võ sĩ" trong giới điểu học, bởi chúng có phản xạ cực nhanh và những cú đạp cực mạnh. Ngoài ra, chiều cao lênh khênh của nó lên tới khoảng 1,3 mét cũng là điều khiến các loài thú săn mồi cỡ nhỏ e ngại khi đối đầu.
Khác với các loài chim khác thường săn mồi bằng những cú bổ nhào từ trên không, chim thư ký săn bắt con mồi trong khi đi hay chạy. Thông thường, chúng sẽ rượt đuổi và dùng mỏ mổ con mồi hoặc dẫm lên con mồi cho tới khi nó choáng váng hay bất tỉnh đủ để nuốt.
Cú đạp của chim thư ký nhanh đến mức nó xảy ra trong vòng có 1/10 cái chớp mắt của chúng ta. Cú đạp của nó mạnh gấp 5-6 lần trọng lượng cơ thể của loài chim này, và được xem là có cú đá mạnh nhất thế giới động vật. Con mồi của chúng bao gồm côn trùng, thú nhỏ, thằn lằn, rắn, chim non, trứng chim và đôi khi cả động vật chết trong các vụ cháy rừng.