Một cá nhân, hai tổ chức đoạt giải Nobel Hòa bình 2022
Giải Nobel Hòa bình năm nay thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Belarus, cùng hai tổ chức nhân quyền hoạt động tại Nga và Ukraine.
"Chúng tôi quyết định trao giải Nobel Hòa bình năm 2022 cho nhà hoạt động nhân quyền Ales Bialiatski tại Belarus, cùng tổ chức nhân quyền Memorial ở Nga và Trung tâm Tự do Dân sự có trụ sở tại Ukraine", Ủy ban Nobel Na Uy thông báo hôm nay.
Ủy ban cho hay họ trao giải Nobel Hòa bình cho ông Bialiatski và hai tổ chức trên vì muốn tôn vinh "quyền con người, dân chủ và cùng tồn tại hòa bình" ở ba quốc gia láng giềng Belarus, Nga và Ukraine. Họ khẳng định giải thưởng này không nhắm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đã phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Nhà hoạt động nhân quyền Belarus Ales Bialiatski - (Ảnh: AFP)
"Các bên đoạt giải đại diện cho xã hội dân sự ở quốc gia của họ", Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, nói, thêm rằng họ đã "bảo vệ các quyền cơ bản của công dân" trong nhiều năm qua, bằng cách "ghi nhận các hành vi phạm tội ác chiến tranh, lạm dụng nhân quyền và quyền lực".
Ông Bialiatski, 60 tuổi, đang bị giới chức Belarus giam với cáo buộc "trốn thuế". Ủy ban Nobel Na Uy kêu gọi Belarus trả tự do cho ông.
"Chúng tôi hy vọng điều này sẽ xảy ra và ông ấy có thể tới Oslo để nhận giải", bà Reiss-Andersen nói.
Theo bà Reiss-Andersen, Trung tâm Tự do Dân sự được trao giải vì đã tham gia vào nỗ lực điều tra cáo buộc "tội ác chiến tranh" trong xung đột Ukraine. "Nhóm này đã đóng vai trò tiên phong nhằm buộc các bên phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình", bà nói.
Trung tâm Tự do Dân sự, có trụ sở tại Ukraine, tuyên bố trên Twitter họ "cảm thấy tự hào" khi đoạt giải Nobel Hòa bình.
Memorial International, tổ chức có trụ sở tại Moskva, đã bị giải tán theo phán quyết năm 2021 của Tòa án Tối cao Nga. Theo TASS, Memorial International từng bị phạt vì vi phạm luật của Nga về tổ chức "đại diện nước ngoài".
Văn phòng tại Đức của tổ chức Memorial ra tuyên bố cho hay giải Nobel Hòa bình sẽ "tiếp thêm sức mạnh cho quyết tâm của chúng tôi hỗ trợ các đồng nghiệp ở Nga".
Giải Nobel Hòa bình đã được trao cho 137 cá nhân, tổ chức kể từ khi được khởi xướng vào năm 1901. Năm nay, 251 cá nhân và 92 tổ chức đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình, mức cao thứ hai trong lịch sử, chỉ kém số đề cử vào năm 2016.
Cá nhân và tổ chức chiến thắng được lựa chọn bởi 5 thành viên trong Ủy ban Nobel Na Uy, thường là các chính trị gia đã nghỉ hưu được quốc hội Na Uy bổ nhiệm. Theo di nguyện của Nobel, giải được trao cho cá nhân, tổ chức "có đóng góp to lớn để thúc đẩy sự đoàn kết giữa các quốc gia, cắt giảm hoặc giải trừ lực lượng vũ trang thường trực, tổ chức và xúc tiến các hội nghị hòa bình".
Lễ trao giải sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo vào ngày 10/12, trùng với ngày mất của nhà phát minh, nhà khoa học Alfred Nobel. Các cá nhân, tổ chức nhận giải Nobel Hòa bình sẽ được trao huy chương, chứng nhận và giải thưởng 10 triệu crown Thụy Điển (900.000 USD).
Nobel Hòa bình là một trong 6 giải thưởng do Alfred Nobel thiết lập năm 1895. Năm giải còn lại gồm Nobel Vật lý, Nobel Hoá học, Nobel Y sinh, Nobel Văn học và Nobel Kinh tế.