Một phần của Mặt trời bị vỡ rời, cuốn vào vòng xoáy cực
Các thiết bị của NASA đã ghi lại được khoảnh khắc một phần của Mặt trời dường như bị tách rời hẳn và bị cuốn vào một cơn lốc xoáy cực.
Tuy nhiên, các nhà khoa học lên tiếng trấn an mức độ ảnh hưởng của hiện tượng này không khủng khiếp như người ta tưởng.
Xem video dải plasma bị cuốn xoáy ra khỏi bề mặt Mặt trời. (Nguồn: Twitter/Tamitha Skov)
Tamitha Skov, một nhà vật lý thời tiết vũ trụ và nhà khoa học nghiên cứu tại Tập đoàn Hàng không vũ trụ ở Nam California (Mỹ) là người đầu tiên chia sẻ hình ảnh về hiện tượng này. Thực chất, một mảnh plasma lớn đã tách ra khỏi bề mặt của Mặt trời và bị cuốn vào một cơn lốc xoáy cực.
Trong đoạn video đăng lên mạng xã hội, nhà vật lý Skov miêu tả: “Một số vật chất đã bắt đầu tách rời khỏi cấu trúc chính và bị cuốn vào một cơn lốc xoáy cực. Phải mất đến 8 tiếng để những vật chất đó hoàn toàn quay quanh một cực ở góc 60 độ”. Theo tính toán sơ bộ, Skov cho biết cơn lốc cực đang di chuyển rất nhanh, với vận tốc lên tới gần 100km/giây.
Theo định nghĩa của Cơ quan Khí tượng Quốc gia Mỹ, xoáy cực là vùng áp suất thấp lớn, quay vòng rộng lớn hình thành gần với các cực của Trái đất. Dẫn lời bà Sara Housseal, một chuyên viên về hoạt động thời tiết không gian tại Trung tâm Điều hành Thời tiết Không gian của Lực lượng Không gian Mỹ, đài truyền hình CBS cho biết xoáy cực trên Mặt trời là một hiện tượng “ít được biến đến”.
Một số vật chất đã bắt đầu tách rời khỏi cấu trúc chính và bị cuốn vào một cơn lốc xoáy cực.
Theo ông Scott McIntosh, một nhà vật lý năng lượng Mặt trời và hiện đảm nhiệm vị trí phó giám đốc tại Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia, dải plasma từng tách rời khỏi bề mặt của Mặt trời trong các chu kỳ Mặt trời trước đó. Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy mảnh vỡ plasma và xoáy cực tương tác với nhau.
“Cứ sau mỗi chu kỳ của Mặt trời, mảnh vỡ plasma bắt đầu di chuyển đến các cực của Mặt trời. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới hiện tượng đó vẫn chưa có lời giải. Tại sao dải plasma chỉ di chuyển về phía cực một lần rồi biến mất và sau 3 - 4 năm, nó quay trở lại ở cùng một khu vực?”, chuyên gia Scott thắc mắc.
Theo bà Skov, sự tương tác giữa mảnh vỡ plasma và vòng xoáy cực có thể đóng một vai trò đáng kể trong việc tìm hiểu Hệ Mặt trời và các hành tinh khí khổng lồ khác, như Sao Thổ và Sao Mộc, vốn được biết là những nơi có gió cực mạnh.