Một trong những siêu Trái đất đáng sợ nhất vũ trụ lộ diện
Kính viễn vọng không gian James Webb đã phát hiện ra bầu trời sủi bọt khí độc ở một siêu Trái đất cách chúng ta chỉ 35 năm ánh sáng.
Các nhà khoa học vừa vén màn bí ẩn về L 98-59 d, một siêu Trái đất quay xung quanh ngôi sao lùn đỏ L 98-59 cách chúng ta chỉ 35 năm ánh sáng.
Hệ sao lùn đỏ này với một số hành tinh xung quanh đã được biết đến trước đây nhờ kính viễn vọng TESS của NASA, nhưng chỉ là những hiểu biết sơ lược.
Giờ đây, nhờ sức mạnh vượt trội hơn của kính viễn vọng James Webb của NASA/ESA/CSA (cơ quan vũ trụ của Mỹ, châu Âu và Canada), L 98-59 d trở thành thế giới nhỏ nhất mà nhân loại từng quan sát được ở bầu khí quyển.
Siêu Trái đất L 98-59 d có một bầu khí quyển đầy chết chóc - (Ảnh đồ họa: NASA).
L 98-59 d là một hành tinh đá cùng loại với Trái đất, kích thước lớn hơn một chút - khoảng 1,5 lần. Nhưng nó là một thế giới địa ngục.
Viết trên chuyên san khoa học The Conversation, TS Agnibha Banerjee từ Đại học Mở Anh quốc cho biết bầu khí quyển của siêu Trái đất này đậm đặc khí lưu huỳnh dioxit (SO2) và hydro sunfua (H2S).
Các loại khí này được xác định dựa trên dữ liệu quang phổ mà James Webb thu thập được về hành tinh.
Theo các tác giả, đây là một phát hiện ngạc nhiên vì bầu khí quyển này hoàn toàn trái ngược với bầu khí quyển của các hành tinh đá trong Hệ Mặt trời, nơi hơi nước và carbon dioxit (CO2) phổ biến hơn nhiều.
Ví dụ, bầu khí quyển của Trái đất rất giàu nitơ và oxy, với một lượng nhỏ hơi nước. Bầu khí quyển chết chóc của sao Kim cũng chủ yếu là carbon dioxit và sao Hỏa cũng vậy.
Các nhà khoa học đã sử dụng một mô hình máy tính để vẽ ra bức tranh tiềm năng về bầu trời tử thần của hành tinh và kết luận rằng các đặc điểm này được hình thành bởi các quá trình hoàn toàn khác với những gì đã diễn ra trong Thái Dương hệ.
"Điều này gợi ý về các điều kiện độc đáo và khắc nghiệt trên L 98-59 d, chẳng hạn như bề mặt nóng chảy hoặc núi lửa" - TS Banerjee cho biết.
Sự hiện diện của SO₂ và H₂S cũng đặt ra câu hỏi về nguồn gốc của chúng.
Khả năng cao nhất là sự bùng nổ núi lửa do thủy triều làm nóng, rất giống với những gì được quan sát thấy trên vệ tinh Io của sao Mộc.
Lực hấp dẫn của ngôi sao mẹ trên L 98-59 d kéo giãn và ép chặt nó khi nó di chuyển trên quỹ đạo, làm nóng trung tâm của hành tinh, tan chảy phần bên trong và tạo ra các vụ phun trào núi lửa cực độ và thậm chí là các đại dương magma.
Vì vậy, siêu Trái đất này không phải miền đất hứa của sự sống. Nhưng theo TS Banerjee, thế giới cực đoan này vẫn là phát hiện tuyệt vời, giúp chúng ta hiểu được sự đa dạng của quá trình tiến hóa hành tinh trên khắp thiên hà.