Mỹ lần đầu ghi nhận cá heo nhiễm cúm gia cầm độc lực cao
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Florida, Mỹ cho biết quá trình khám nghiệm đã phát hiện một con cá heo mắc virus cúm gia cầm có độc lực cao.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Communications Biology ghi rằng con cá heo này là loài giáp xác đầu tiên được ghi nhận nhiễm virus cúm gia cầm có độc lực cao (HPAIV) ở Bắc Mỹ.
Cá heo ở Florida được phát hiện nhiễm virus cúm gia cầm. (Ảnh minh họa: Unsplash).
Vào tháng 3/2022, con cá heo mắc cạn tại một con kênh ở hạt Dixie, bang Florida (Mỹ) và đã chết ngay sau khi đội cứu hộ có mặt. Cá heo sau đó được bảo quản và chuyển về Đại học Florida để khám nghiệm, Newsweek ngày 29/4 đưa tin.
Các nhà khoa học ban đầu không nghi ngờ cá heo mắc cúm gia cầm, nhưng sau nhiều phân tích đã phát hiện cá heo gặp các vấn đề sức khỏe, bao gồm viêm não và bệnh leptomeninges, đều là những triệu chứng xuất hiện trên động vật hoang dã khác nhiễm cúm gia cầm. Hồi năm 2022, một số con hải cầu cảng và hải cẩu xám cũng đã chết vì loại virus này, một số con chết vì triệu chứng thần kinh.
Virus cúm gia cầm được phát hiện lần đầu ở Bắc Mỹ vào năm 2021, từ đó đã lây lan sang các loài chim và các động vật có vú khác. Các nhà khoa học cho rằng virus có thể lây sang các loài sinh vật biển khác như cá heo. Song, hiện chưa rõ nguyên nhân con cá heo ở Florida nhiễm cúm, và cần thêm những nghiên cứu để có cái nhìn chi tiết.
Một đợt bùng phát cúm gia cầm trên toàn cầu bắt đầu vào năm 2020. Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) coi rủi ro cộng đồng từ virus cúm gia cầm vẫn ở mức thấp, loại virus này đã giết chết hàng triệu loài chim và động vật hoang dã khác. Cho đến nay, hải cẩu và sư tử biển là những động vật có vú chính bị ảnh hưởng bởi căn bệnh này.
Tại Mỹ, căn bệnh này đặc biệt phổ biến ở các loài động vật có vú sống ở biển tại bang Maine. Nó cũng đã được phát hiện ở hải cẩu tại bang Washington, và đã lan truyền nhanh chóng tại Nam Mỹ.