NASA có thể không có trạm vũ trụ thay thế khi ISS ngừng hoạt động
Ban cố vấn về an toàn của NASA đã cảnh báo rằng cơ quan này có thể không kịp thời chuyển đổi từ ISS sang các trạm vũ trụ thương mại và sẽ để lại khoảng trống trong sự hiện diện của Mỹ ở quỹ đạo Trái đất tầm thấp.
Vào đầu năm nay, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đã đưa ra kế hoạch vận hành Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) cho đến cuối thập kỷ này. NASA cũng đang hỗ trợ phát triển các trạm vũ trụ thương mại để duy trì khả năng tiếp cận quỹ đạo của Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này lo ngại rằng các trạm sẽ không sẵn sàng vào thời điểm ISS ngừng hoạt động.
Trạm Vũ trụ Quốc tế được các thành viên phi hành đoàn Expedition 56 chụp lại từ tàu vũ trụ Soyuz vào ngày 4/10/2018 - (Ảnh: NASA)
Theo báo cáo của SpaceNew, tại cuộc họp ngày 21.7 của Ban Cố vấn An toàn Hàng không Vũ trụ (ASAP), ban này đã cảnh báo về một “quỹ đạo bấp bênh” trong đó có thể không có đủ thời gian hoặc nguồn lực để chuyển đổi trước khi ISS ngừng hoạt động.
Một trong những vấn đề tạo ra khoảng trống giữa ISS và các trạm vũ trụ thương mại có thể là kinh phí cho quá trình chuyển đổi. Cũng không rõ bằng cách nào NASA có thể đảm bảo cho việc kinh doanh ban đầu để tài trợ cho hoạt động của các trạm thông qua đầu tư thương mại.
Nếu lãi thấp, NASA có thể phải tìm nguồn tài trợ để làm “cầu nối” trong khi các trạm thương mại bắt đầu hoạt động. “NASA cần phải thừa nhận và lập kế hoạch cho thực tế rằng việc duy trì sự hiện diện liên tục của con người trên quỹ đạo hiện tại và trong tương lai sẽ đòi hỏi sự đầu tư đáng kể của chính phủ”, Amy Donahue, thành viên hội đồng ASAP nhận định.
Vào tháng 12/2021, NASA đã trao 3 hợp đồng với tổng trị giá 415,6 triệu USD cho Blue Origin, Nanoracks LLC và Northrop Grumman như một phần của chương trình tài trợ và phát triển các trạm vũ trụ thương mại. Cơ quan này hy vọng sẽ đạt đến các giai đoạn xem xét thiết kế sơ bộ đối với từng khái niệm trạm vũ trụ được đề xuất, bao gồm thảo luận về khách hàng và các điểm đến tiềm năng vào cuối năm tài chính 2025.
NASA cũng đã hợp tác với Axiom Space để phóng các module thương mại lên ISS, trong đó module đầu tiên sẽ được phóng vào năm 2024 và cuối cùng tách ra để bay một mình.
Đây không phải là lần đầu tiên các cố vấn của NASA lên tiếng về những lo ngại này. NASA từng có kinh nghiệm về những lỗ hổng như vậy trong hoạt động trước đây, điều mà cơ quan này mong muốn tránh lặp lại.
Robyn Gatens, Giám đốc ISS của NASA, cho biết: “Chúng tôi đã gặp phải một lỗ hổng trong hệ thống vận chuyển khi ngừng hoạt động tàu con thoi. Đây là lý do tại sao NASA cam kết chuyển đổi có trật tự các hoạt động của ISS sang các điểm đến được cung cấp thương mại trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp. Chúng ta không thể có một khoảng trống trong sự hiện diện của người Mỹ ở quỹ đạo này”.

Những điều bạn chưa biết về thiên thạch
Thiên thạch là gì? Một câu hỏi nghe rất quen thuộc, tưởng chừng dễ ấy thế mà nó đã và đang đánh đố không ít người.

Các nhà khoa học đưa ra kết luận không ngờ tới về du hành thời gian
Các nhà khoa học vừa xác nhận tìm thấy hạt nhân hình quả lê. Điều này không chỉ đi ngược với một số quy luật vật lý mà còn chứng minh rằng du hành thời gian là bất khả thi.

Đường thay đổi ngày quốc tế
Trái đất tự quay từ Tây sang Đông, sáng, trưa, chiều, tối lần lượt xuất hiện ở các nước trên thế giới một cách tuần hoàn. Vậy một ngày mới trên Trái đất nên bắt đầu từ đâu và kết thúc ở đâu? Để tránh sự hỗn loạn về ngày tháng, Hội ng

Bản đồ trái đất và các hành tinh
Nếu bạn là người bắt đầu yêu thích môn thiên văn học thì việc nhận dạng vị trí, tên gọi, thông tin về các hành tinh trong vũ trụ không phải là điều dễ dàng. Với Home Planet, bạn có thể dễ dàng biết được tất cả các thô

Đặt tên cho các ngôi sao, cần cả một chiến dịch toàn cầu
Tên đăng ký phải sử dụng từ 4 đến 16 ký tự La tinh và chưa từng được đặt cho bất cứ thiên thể nào khác.

Những điều bạn chưa biết về Tinh vân
Tinh vân là một thiên thể ở dạng mây mù gồm khí sao và bụi vũ trụ. Tỷ trọng vật chất trong tinh vân rất thấp. Nếu đo bằng tiêu chuẩn trên Trái đất, có nơi hầu như là chân không. Nhưng thể tích tinh vân lại cực kỳ to lớn, cũng phải đế
