NASA phát hiện hành tinh có sự sống như trái đất
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 5/12 thông báo rằng chương trình không gian Kepler đã khẳng định một hành tinh nằm trong vùng "có thể có sự sống" do khoảng cách của hành tinh này với một ngôi sao tương tự như mặt trời vừa đủ để bề mặt hành tinh không quá nóng hoặc quá lạnh, cho phép lưu giữ nước.
>>> Tàu vũ trụ Kepler phát hiện “siêu trái đất” mới
Hành tinh vừa được tìm thấy, có tên là Kepler-22b, là hành tinh nhỏ nhất cho đến nay tìm được nằm trong vùng có thể có sự sống. Kepler-22b có đường kính lớn gấp 2,4 lần trái đất.
Hiện các nhà khoa học chưa biết bề mặt của hành tinh này là đá, khí hay hỗn hợp lỏng. Tuy nhiên, việc phát hiện ra Kepler-22b được coi là một bước tiến trong cuộc khám phá các hành tinh giống như trái đất.
Kepler-22b nằm cách trái đất 600 năm ánh sáng. Hành tinh này quay quanh một ngôi sao giống mặt trời theo một quỹ đạo dài 290 ngày. Ngôi sao này thuộc nhóm G, tức là tương đương với mặt trời, mặc dù nhỏ hơn một chút và có nhiệt độ thấp hơn.
Các nghiên cứu ban đầu trước đây từng phát hiện ra sự tồn tại của nhiều hành tinh có kích thước tương tự trái đất, nằm trong vùng có thể có sự sống. Tuy nhiên các nghiên cứu tiếp theo sau đó đã không cho phép khẳng định điều này.
Tháng 2/2011 vừa qua, chương trình không gian Kepler xác định được 54 vật thể vũ trụ nằm trong vùng có thể có sự sống.
Các vật thể này chỉ có thể được xác định là một hành tinh khi các nhà khoa học quan sát được ít nhất 3 lần nó đi qua vùng sáng của một ngôi sao. Kepler-22b là trường hợp đầu tiên được khẳng định trong số này.
Các nhà khoa học trong chương trình Kepler sử dụng các kính viễn vọng đặt trên trái đất và kính viễn vọng không gian Spitzer để theo dõi các vật thể vũ trụ có thể là hành tinh do tàu không gian Kepler tìm ra.
Theo NASA, trong số 2326 vật thể vũ trụ có thể là hành tinh mà Kepler tìm ra cho đến nay, có 207 trường hợp có kính thước xấp xỉ với trái đất, 680 trường hợp "siêu lớn" so với trái đất, 1181 trường hợp có kích thước bằng Hải vương tinh, 203 trường hợp ngang bằng với sao Mộc.
Kết quả của chương trình Kepler cũng cho thấy trong dải thiên hà Galaxy có rất nhiều hành tinh có kích thước bằng từ 1 đến 4 lần trái đất.
Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 2/2011 đến nay, số lượng các vật thể có thể là hành tinh với kích thước xấp xỉ trái đất tìm được đã tăng lên hơn 200%.
Các nhà khoa học NASA cho rằng sự gia tăng nhanh chóng này cho thấy tiềm năng chương trình Kepler có thể tìm được sự sống ngoài trái đất.