Nga dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên sao Hỏa
Cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos) đề xuất xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên sao Hỏa trong nỗ lực cạnh tranh không gian với Mỹ và Trung Quốc.
Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên sao Hỏa được đề xuất bởi Phòng thiết kế Arsenal - một chi nhánh của Roscosmos có trụ sở tại St. Petersburg - chuyên sản xuất tàu vũ trụ, vệ tinh và các công nghệ vũ trụ khác, hãng thông tấn nhà nước Nga Sputnik đưa tin. Nhà máy này sẽ cung cấp năng lượng cho một căn cứ có người điều hành trên Hành tinh đỏ.
Mô phỏng nhà máy hạt nhân trên sao Hỏa. (Ảnh: Sputnik).
Các kỹ sư của Arsenal tiết lộ, nhà máy điện hạt nhân được đưa lên Hành tinh đỏ bằng cách sử dụng Zeus - một tàu kéo vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân, dự kiến sẽ bắt đầu bay thử nghiệm vào năm 2030.
"Theo đề xuất của Arsenal, lò phản ứng sẽ được chuyển đến Hành tinh đỏ trên tàu Zeus. Tiếp đến, được thả trôi xuống bề mặt sao Hỏa bằng hệ thống dù. Sau khi lắp đặt, nhà máy điện sẽ được kích hoạt để cung cấp năng lượng cho một căn cứ tiềm năng trên sao Hỏa của Nga", Sputnik nhấn mạnh.
Nếu tàu kéo Zeus được triển khai tại điểm Lagrange giữa Mặt trời và sao Hỏa (tức điểm trong không gian nơi lực hấp dẫn của các thiên thể này mạnh như nhau), các cảm biến và bộ truyền liên lạc có thể hoạt động như một "kênh tốc độ cao để truyền thông tin về Trái đất từ bề mặt sao Hỏa và từ tàu vũ trụ quay quanh hành tinh".
Tàu kéo vũ trụ chạy bằng năng lượng hạt nhân Zeus do Roscosmos công bố. (Ảnh: Sputnik).
Giám đốc điều hành phụ trách các chương trình phát triển và khoa học tại Roscosmos, ông Alexander Bloshenko cho biết, họ cũng có kế hoạch đưa tàu kéo năng lượng hạt nhân Zeus tới sao Mộc, các điểm dừng tại Mặt trăng và sao Kim. Lò phản ứng của Zeus được thiết kế tạo ra đủ năng lượng để vận chuyển hàng hóa nặng qua không gian sâu với tốc độ siêu cao.
Mặc dù được ghi nhận có vệ tinh, người đàn ông và phụ nữ đầu tiên vào không gian, trạm vũ trụ đầu tiên, lần hạ cánh đầu tiên trên Mặt trăng và sao Hỏa, tuy nhiên, Nga chỉ chi 3,58 tỷ USD cho chương trình không gian trong năm 2020. Mức này chỉ hơn Nhật Bản (260 triệu USD), song kém xa Pháp (4,04 tỷ USD), Trung Quốc (8,85 tỷ USD) và Mỹ (47,69 tỷ USD) ở cùng thời điểm.
Yếu tố đầu tư tài chính và nhiều yếu tố khác đã khiến Nga - đất nước chiếm vị thế tiên phong trong không gian, có nguy cơ tụt hậu khi Cơ quan không gian Trung Quốc (CNSA) và Cơ quan hàng không Vũ Trụ Mỹ (NASA) phát triển mạnh mẽ không ngừng.
Các quốc gia này vừa công bố loạt hình ảnh và cảnh quay mới nhất về những thiết bị thám hiểm bề mặt và các bước chân phi hành gia của họ di chuyển xung quanh bề mặt sao Hỏa.