Trạm đổ bộ của NASA đang "chết" dần trên sao Hỏa
Sau khi trải qua hơn 2,5 năm trên bề mặt sao Hỏa, trạm đổ bộ robot Mars Insight của NASA dường như ngày càng hỏng hóc trầm trọng hơn.
Bụi sao Hỏa bao phủ bề mặt tấm pin mặt trời của trạm đổ bộ Mars Insight. (Ảnh: NASA).
Lớp bụi sao Hỏa phủ đầy bề mặt tấm pin mặt trời của trạm đổ bộ Mars Insight, có nghĩa lượng điện mà thiết bị có thể sản sinh đang giảm đi đáng kể, đe dọa toàn bộ nhiệm vụ. Gần đây, NASA gia hạn nhiệm vụ tới cuối năm 2022 để thu thập dữ liệu về hoạt động địa chấn trên hành tinh đỏ. Nhưng do bụi tích tụ trên tấm pin mặt trời, nhiệm vụ có thể phải rút ngắn.
Theo nhóm kỹ sư phụ trách dự án InSight ở Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) của NASA, trạm đổ bộ tạo ra chưa tới 700 watt giờ điện so với mức gần 5.000 watt giờ điện sau khi hạ cánh năm 2018. Họ hy vọng gió sẽ thổi bay bớt một phần bụi, nhưng điều đó rất khó xảy ra.
Nhóm nghiên cứu thậm chí tìm cách vốc một ít đất sao Hỏa và rải gần tấm pin Mặt Trời, sử dụng cánh tay robot của trạm đổ bộ nhằm làm tăng công suất điện nhưng không thành công. Ba lần thử riêng biệt khiến các nhà nghiên cứu bối rối vì chưa tìm ra hướng xử lý, theo Bruce Banerdt, trưởng nhóm nghiên cứu nhiệm vụ InSight ở JPL.
Vấn đề càng tồi tệ hơn do sao Hỏa tiến gần đến điểm xa nhất trên quỹ đạo từ Mặt trời, gọi là củng điểm. Tuy nhiên, hai tháng sau, mức năng lượng có thể bắt đầu tăng trở lại. Một số thiết bị bao gồm công cụ thu thập dữ liệu thời tiết và từ trường, đã ngừng hoạt động.
"Chúng tôi hy vọng vài thiết bị có thể thực hiện ít nhất phép đo định kỳ sau khi sao Hỏa đi qua củng điểm", Banerdt chia sẻ. "Chúng tôi có thể phải tắt địa chấn kế trong thời gian 1 - 2 tháng, nhưng sẽ cố gắng xem xét có thể vận hành suốt khoảng thời gian hay không". Tuy nhiên, nếu công suất điện không tăng nhiều, nhóm nghiên cứu có thể buộc phải kết thúc nhiệm vụ vào khoảng tháng 4/2022.