Nghiên cứu trên chuột sai lệch vì "mùi nam giới"
Trong hơn một thế kỷ qua, chuột được sử dụng để làm vật thí nghiệm trong hầu hết các cuộc thử nghiệm. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Canada đã khiến nhiều người bất ngờ khi chỉ ra, mùi của nam giới có thể gây ra sự sợ hãi cho những con chuột thí nghiệm, từ đó gây ra sự sai lệch trong kết quả thí nghiệm.
Khi tiến hành thử nghiệm trên chuột, các chuyên gia thuộc ĐH McGill ở Montreal (Canada) đã phát hiện ra, giới tính của nhà nghiên cứu có thể tác động đáng kể đến kết quả các cuộc xét nghiệm gây đau đớn cho chuột.
Theo đó, những chú chuột cảm thấy ít đau hơn khi người tiến hành thí nghiệm là nữ giới, ngược lại chúng sẽ sợ hãi, căng thẳng, đau đớn hơn nếu kỹ thuật viên tiến hành thí nghiệm mang giới tính nam.
Để có được kết quả trên, giáo sư tâm lý Jeffrey Mogil và các đồng nghiệp tại ĐH McGill đã tiến hành thí nghiệm trên chuột. Họ đã để các nghiên cứu viên vào tiêm thuốc cho chuột và theo dõi độ căng thẳng, đau đớn thể hiện ở từng giai đoạn. Mogil và nhóm của ông đã nhận thấy có một sự giảm đáng kể cảm giác đau khi một nữ nghiên cứu tiến hành thí nghiệm.
Trong khi đó, sự hiện diện của nghiên cứu viên nam làm nhiệt độ cơ thể chuột cùng nồng độ hormone corticosterone - hormone gây căng thẳng gia tăng ở mức cao.
Điều này cũng xảy ra khi các nữ nghiên cứu mặc lại chiếc áo phông của bạn đồng nghiệp nam giới mặc trước đó. Chính mùi cơ thể của nam giới đã gây ra sự căng thẳng với những chú chuột thí nghiệm.
Theo các chuyên gia, rất có thể chính testosterone hay kích thích tố nam đã gây ra sự sợ hãi trong các loài động vật gặm nhấm. Tuy nhiên, hiện các nhà nghiên cứu vẫn tiến thành cuộc thử nghiệm để tìm ra lý do chính xác nhất.
Trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Robert Sorge cho biết: "Phát hiện của chúng tôi sẽ khiến nhiều phòng thí nghiệm khoa học có bảng điều chỉnh và lựa chọn kĩ hơn người tham gia nghiên cứu. Cùng với đó, tờ kết quả nghiên cứu cũng cần ghi rõ giới tính người tham gia tiến hành cuộc thử nghiệm".
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Methods.