Ngôi mộ 6.600 năm hé lộ khoảng cách giàu nghèo thời Đồ Đá
Chủ nhân một số ngôi mộ có chế độ ăn chứa giàu thịt và được chôn cùng nhiều đồ trang sức hơn những ngôi mộ khác trong nghĩa trang tiền sử.
Nhóm nghiên cứu đến từ Thụy Điển, Mỹ, Ba Lan và Anh tìm thấy bằng chứng hé lộ khoảng cách giàu nghèo trong cộng đồng người tiền sử cách đây ít nhất 6.600 năm. Trong nghiên cứu công bố đầu tháng 8 trên tạp chí Antiquity, nhóm nghiên cứu mô tả kết quả phân tích hài cốt trong một nghĩa trang cổ đại ở Ba Lan.
Hài cốt trong một ngôi mộ có nhiều đồ trang sức ở nghĩa trang tại Osłonki. (Ảnh: Science Alert).
Sau khi khai quật hài cốt và cổ vật trong nghĩa trang tại thị trấn Osłonki, các nhà nghiên cứu tìm kiếm đồng vị nitơ và carbon từ những bộ xương. Tổng cộng, họ nghiên cứu hài cốt của 30 người trưởng thành trong độ tuổi từ 18 đến 45. Họ cũng xem xét xương gia súc tìm thấy trong khu vực ở cùng thời kỳ.
Theo nhà khảo cổ và nhân chủng học Chelsea Budd ở Đại học Umeå, Thụy Điển, thành viên nhóm nghiên cứu, một số người chết được chôn cùng mặt dây chuyền, đồ cài tóc, chuỗi hạt, chứng tỏ họ xuất thân từ những gia đình có nhiều đặc quyền hơn. Các đồ tạo tác bằng đồng bao gồm 50 sợi dây, 200 hạt tròn, 5 mặt dây chuyền và một vương miện, nhiều khả năng đến từ các nguồn ở cách xa hàng trăm kilomet. Đây là bằng chứng khác cho thấy chúng thuộc về tầng lớp giàu có nhất.
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy tỷ lệ đồng vị carbon trong xương của họ giống ở xương gia súc, bằng chứng họ thường ăn thịt động vật ở địa phương. Trong khi đó, những người không được chôn cất cùng trang sức không có tỷ lệ đồng vị carbon như vậy. Tỷ lệ đồng vị carbon ở gia súc chứng tỏ chúng gặm cỏ trên cánh đồng rộng lớn có nhiều ánh nắng Mặt Trời, khác với những con bò ăn thực vật mọc ở khu vực bóng râm. Phát hiện chỉ ra gia đình của người chết chôn trong các ngôi mộ có trang sức có đất đai riêng để chăn nuôi.