Ngựa vằn lông đốm xuất hiện trên đồng cỏ châu Phi
Với bộ lông nâu đốm trắng do đột biến gene, ngựa vằn non có thể gặp nhiều nguy hiểm ngoài tự nhiên.
Ngựa vằn Tira nổi bật với bộ lông nâu đốm trắng. (Ảnh: IFL Science).
Hướng dẫn viên trong khu bảo tồn Maasai Mara, Kenya, phát hiện ngựa vằn non với màu lông khác thường và đặt tên nó là Tira, IFL Science hôm 17/9 đưa tin. "Vài năm trước chúng tôi cũng biết đến một trường hợp tương tự, nhưng con ngựa vằn đó vẫn giữ được các sọc vằn và chiếc đuôi xù. Trong khi đó, họa tiết của Tira chuyển thành giống chấm bi", đại diện chương trình Wildest Africa chia sẻ trên mạng xã hội.
Tira có thể bị đột biến gene và mắc chứng melanism khiến hắc tố trở nên dư thừa. Màu lông của nó biến đổi khác thường. Ngựa vằn thường có sọc quanh lưng và chân, bụng trắng hoàn toàn. Tuy nhiên, Tira lại có bụng nâu đốm trắng với lưng nâu. Đây không phải lần đầu tiên người ta phát hiện ngựa vằn nhiễm melanism. Giáo sư Jonathan Bard từng miêu tả một trường hợp lông đốm tương tự vào năm 1977.
Ngựa vằn nhận ra nhau bằng họa tiết trên cơ thể. Họa tiết của mỗi con không giống nhau, tương tự dấu vân tay của người. Trên thực tế, có ba loài ngựa vằn, mỗi loài lại có họa tiết riêng, từ kiểu dáng đến vị trí các sọc vằn. Giới khoa học cho rằng bộ lông vằn không phải để ngụy trang mà để xua đuổi ruồi trâu, tránh bị chúng cắn.
Tira có thể gặp nhiều nguy hiểm với bộ lông kỳ lạ. Ngựa vằn nhiễm melanism sẽ trở nên nổi bật trong đàn, nhất là khi còn nhỏ. Khi đó, chúng dễ trở thành mục tiêu của sư tử và linh cẩu hơn.
Melanism xuất hiện ở nhiều loài vật, trong đó thường gặp nhất là báo. Tình trạng ngược với melanism là bạch tạng, khi lượng hắc tố bị thiếu hoặc hoàn toàn biến mất. Bạch tạng phổ biến hơn melanism.