Người Anh bỏ lỡ cơ hội bay vào vũ trụ đầu tiên
Trong những năm sau Chiến tranh thế giới thứ II, người Anh lập ra một dự án táo bạo sử dụng tên lửa của Đức Quốc xã để đưa người bay vào vũ trụ, nhưng dự án không thành vì thiếu kinh phí.
- Nữ phi hành gia đầu tiên muốn đến sao Hỏa ở tuổi 76
- Mỹ hủy kế hoạch đưa người trở lại Mặt Trăng
- Thành tựu vĩ đại của du hành vũ trụ Liên Xô - Nga
Người Anh đã có dự định bay vào vũ trụ từ sau Chiến tranh thế giới thứ II
Sau khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ II, ngay trong mùa hè năm 1945, lực lượng Đồng minh đã hối hả lao vào nghiên cứu những bí mật về tên lửa V2 của Đức Quốc xã. Những quả tên lửa khủng khiếp được chế tạo bằng công sức lao động khổ sai, mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến kết cục cuộc chiến nhưng lại ẩn chứa khả năng tiềm tàng làm thay đổi thế giới.
Tên lửa V2 của Đức quốc xã trong Thế chiến II. (Ảnh: BBC)
Một cuộc tranh giành không chính thức giữa người Mỹ, người Nga, người Pháp và người Anh đã nổ ra trong quá trình tìm cách nắm giữ công nghệ tạo ra tên lửa V2, ông John Becklake, cựu kỹ sư trưởng tham gia phục chế V2 ở Bảo tàng khoa học London, tiết lộ.
Trong khi người đứng đầu chương trình vũ khí báo thù của Hitler - Wernher von Braun, ra đầu hàng quân Mỹ tháng 5/1945 và bí mật trốn sang Mỹ; thì người Nga lại chiếm được công trình nghiên cứu và các thiết bị thử nghiệm của Von Braun ở Peenemunde trên bờ biển Baltic. Còn người Pháp tập hợp được khoảng 40 nhà khoa học và kỹ sư người Đức nghiên cứu về tên lửa. Nhưng người Anh lại thu thập được đủ tên lửa để thử nghiệm một chuỗi tên lửa hành trình.
Các ghi chép trong cuộc thử nghiệm mang tên "Cuộc hành quân đánh chặn" của người Anh, bắn tên lửa V2 từ bờ biển Hà Lan lên không trung rồi rơi xuống biển Bắc, cho thấy tên lửa hành trình này chỉ cần đi xa hơn ba dặm (4,8 km) nữa là có thể ra ngoài vũ trụ - kết quả khả quan hơn nhiều so với những thử nghiệm của người Đức trong suốt thời gian chiến tranh.
Thị trấn Peenemunde ở Đức - nơi phát triển tên lửa V2. (Ảnh: SPL)
Rõ ràng, về mặt công nghệ, Von Braun đã giải quyết được những vấn đề nền tảng cơ bản cho tên lửa đẩy như: thiết kế được động cơ kích thước rất lớn, cải tiến bơm nhiên liệu đủ nhanh cho động cơ vận hành và hệ thống dẫn đường phức tạp cho tên lửa. Đó thực sự là những sản phẩm công nghệ cao tuyệt đỉnh thời bấy giờ.
Các kỹ sư thuộc Hội nghiên cứu thiên thể Vương quốc Anh rất quan tâm đến những công nghệ nêu trên, nhằm hiện thực hoá ước mơ xây dựng tàu vũ trụ. Thành viên của hội, ông Ralph Smith, năm 1946 đã đệ trình một dự thảo chi tiết cải tiến tên lửa V2 thành "tên lửa đẩy chở người."
Đề án Megaroc của Ralph Smith đề xuất tăng kích thước và sức chịu tải của vỏ bọc thân tên lửa V2, mở rộng khoang chứa nhiên liệu và thay thế đầu đạn bằng khoang chở người. Tên lửa đẩy có thể không đủ sức đưa khoang chở người ra ngoài bầu khí quyển mà thay vào đó, nhà du hành không gian sẽ được phóng lên theo quỹ đạo parabol cao 300.000 mét so với mặt đất.
Thiết kế tên lửa theo tính toán sẽ được phóng lên với góc nhỏ, sau khi đạt đến đỉnh quỹ đạo bay rồi rơi trở lại mặt đất, phần mũi hình nón sẽ tách ra, khoang chở người có hai cửa sổ sẽ bung dù từ từ hạ cánh. Tranh thủ khoảng thời gian di chuyển đó, nhà du hành có thể quan sát mặt đất, bầu khí quyển và Mặt Trời. Trong bối cảnh phương Tây đang đối đầu với Liên bang Xô viết, đề án Megaroc có thể là phương tiện lý tưởng dùng để do thám lãnh thổ đối phương.
Thiết kế tên lửa đẩy Megaroc được các chuyên gia đánh giá là hoàn toàn thực tiễn, có khả năng đưa con người vào không gian sau vài năm triển khai thực hiện.
Ralph Smith đệ trình thiết kế tên lửa đẩy Megaroc lên Bộ Cung ứng của chính phủ Anh (MoS) nhưng bị từ chối cấp kinh phí nghiên cứu vì điều kiện tài chính không cho phép, hơn nữa, chính phủ muốn tập trung nguồn lực cho công nghệ hạt nhân.
Trong khi ấy, bên kia bờ đại dương, quân đội Mỹ sẵn sàng cung cấp mọi thứ cho Von Braun phát triển tên lửa V2 thành tên lửa đẩy thế hệ mới. Kết quả là Mercury-Redstone đã đưa nhà du hành đầu tiên của Mỹ, Alan Shepard, lên vũ trụ vào năm 1961. Redstone có thiết kế khá tương đồng với Megaroc của Ralph Smith, về thực chất chỉ là bản nâng cấp của V2 mà không có thêm chút công nghệ mới nào được bổ sung và đã đưa con người bay vào vũ trụ thành công.
David Baker, kỹ sư công nghệ của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) trong dự án Tàu con thoi, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử không gian, biên tập viên tạp chí Spaceflight, cho rằng về công nghệ người Anh đã vượt trước người Mỹ đến 10 năm, Megaroc là cốt lõi căn bản của Mercury-Redstone. Nói cách khác, nếu Bộ Cung ứng phê chuẩn đề án của Ralph Smith thì nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới chắc hẳn phải là người Anh.
Người đầu tiên bay vào vũ trụ được thế giới ghi nhận là Yuri Gagarin, nhà du hành của Liên Xô. (Ảnh: BBC)
Câu chuyện về những gì có thể đã xảy ra này có vẻ không mấy tương đồng với kỷ nguyên của sự phát triển công nghệ ngày nay, thời đại của tên lửa đẩy tư nhân, vệ tinh thuộc sở hữu cá nhân hay tàu không gian thế hệ mới. Các công ty như Virgin Galactic hay Xcor đang nghiên cứu chế tạo tàu không gian tái sử dụng giá thành rẻ, công ty Reaction Engines của Anh đang phát triển hệ thống nâng cấp sức đẩy tiên tiến cho tàu không gian tái sử dụng của tương lai.
Các chính khách có thể viện dẫn các giá trị xã hội, điều kiện tài chính hay tiêu chuẩn của cuộc sống để bào chữa, nhưng khoa học công nghệ sẽ luôn tiến lên, minh chứng đúng đắn giá trị thật khi đầu tư cho tương lai. "Tinh thần của Megaroc sẽ mãi trường tồn," David Baker nói. "Chúng ta có thể thực hiện được và hoàn toàn có thể thực hiện lại."