Nhật Bản đón lứa heo biến đổi gene đầu tiên để phục vụ ghép tạng
Lứa heo đầu tiên biến đổi gene nhằm phát triển nội tạng để cấy ghép cho người của Nhật Bản vừa chào đời hôm 11-2.
Theo đó, việc vượt qua ranh giới loài để "cấy ghép dị chủng" được kỳ vọng sẽ dẫn tới loại thuốc cấy ghép mới.
Theo báo Mainichi ngày 14-2, các cơ sở nghiên cứu và tổ chức y tế tại Nhật Bản đặt mục tiêu sớm bắt đầu thử nghiệm cấy ghép trên khỉ, và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên người vào năm 2025.
Heo biến đổi gene được kỳ vọng sẽ cung cấp nội tạng cấy ghép cho người ở Nhật Bản - (Ảnh: PorMedTec Co).
Nhật Bản cho ra đời lứa heo biến đổi gene đầu tiên phục vụ ghép tạng
Công ty liên doanh PorMedTec Co. (trụ sở tại Kawasaki, tỉnh Kanagawa), một công ty con của Đại học Meiji, đã sử dụng tế bào từ heo biến đổi gene được nhập khẩu từ Công ty công nghệ sinh học eGenesis (Mỹ) để cho ra heo con nhân bản.
Thông thường, cơ thể con người sẽ có phản ứng thải trừ mạnh mẽ đối với các cơ quan nội tạng cấy ghép có nguồn gốc từ các loài khác.
Nhưng các tế bào của những con heo biến đổi gene này đã được thay thế bằng 10 gene liên quan để ngăn chặn phản ứng này.
Bên cạnh đó, khoảng 50 gene đã được bất hoạt nhằm loại bỏ các nguy cơ đối với cơ thể con người do gene từ heo.
Các nhóm nghiên cứu tại các trường đại học và cơ sở y tế tại Nhật Bản có kế hoạch ghép thận của lứa heo biến đổi gene lên khỉ đuôi dài để quan sát thời gian sống sót của các con khỉ này, cũng như khả năng hoạt động bình thường của các nội tạng cấy ghép. Các nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng việc thử nghiệm lâm sàng trên con người.
Vào năm 2022 tại Mỹ, một bệnh nhân mắc bệnh tim đã được ghép tim từ heo. Chức năng tim của người này cho thấy sự hồi phục, nhưng ông qua đời hai tháng sau đó không rõ nguyên nhân.
Vào tháng 9-2023, thế giới có trường hợp ghép tim heo thứ hai cũng tại Mỹ. Bệnh nhân này cũng qua đời gần sáu tuần sau đó.
Cùng loại heo biến đổi gene vừa chào đời ở Nhật Bản, nhiều con khỉ được ghép thận từ loại heo này được ghi nhận có thời gian sống sót hơn hai năm. Kết quả trên được công bố trên tạp chí khoa học Nature của Anh.