Nhật thực lai hiếm gặp nhìn từ vũ trụ
Vệ tinh thời tiết Himawari của Nhật Bản phát hiện nhật thực lai hôm 19/4 từ quỹ đạo địa tĩnh ở độ cao 36.000km, cao gấp 10 lần Trạm Vũ trụ Quốc tế.
Bóng của Mặt trăng lướt qua Trái đất trong nhật thực lai. (Video: Simon Proud).
Nhà khoa học thời tiết Simon Proud làm việc với Trung tâm Quan sát Trái đất của Anh, xử lý dữ liệu và chia sẻ trên mạng xã hội Twitter hôm 20/4. Trong video, bóng của Mặt trăng dịch chuyển dần từ trái sang phải.
Trong hai ngày 19 và 20/4, Mặt trăng di chuyển qua phía trước Mặt trời, tạo ra nhật thực ở một số khu vực trên Trái đất. Nhưng sự kiện lần này rất hiếm gặp bởi đó là nhật thực lai, xuất hiện khác nhau khi nhìn từ địa điểm khác nhau trên toàn cầu như nhật thực hình khuyên, nhật thực toàn phần hoặc bán phần. Bóng của Mặt trăng quét qua Tây Australia tới Đông Timor và Indonesia từ 21h36 ngày 19/4 đến 2h59 ngày 20/4 giờ địa phương (9h36 ngày 20/4 đến 14h59 ngày 20/4 giờ Hà Nội).
Bóng của Mặt trăng dịch chuyển dần từ trái sang phải.
Nhật thực lai là kết quả của hai yếu tố: đường cong của Trái đất và bóng của Mặt trăng. Bóng của Mặt trăng gồm hai phần, bóng phía ngoài nông và sáng hơn gọi là vùng bóng nửa tối và bóng bên trong sẫm hơn gọi là vùng bóng tối. Trong nhật thực lai, khi bóng của Mặt trăng đổ lên Trái đất, hành tinh nằm trong vùng bóng nửa tối và chỉ quan sát được nhật thực hình khuyên. Tuy nhiên, trong lúc chiếc bóng lướt qua bề mặt hành tinh, đường cong của Trái đất khiến một số khu vực rơi vào vùng bóng tối và trải qua nhật thực toàn phần.
Nhật thực lai thường có điểm mốc thay đổi thứ hai khi nhật thực toàn phần chuyển về nhật thực hình khuyên. Đó là do đường cong của Trái đất một lần nữa lùi ra xa khỏi vùng bóng tối và rơi vào vùng bóng nửa tối. Theo Carter, hai điểm mốc thay đổi đều nằm ở vị trí xa xôi giữa đại dương.