Nhìn hố lạ trên ruộng, không ngờ lại là mộ của hoàng tử nhà Minh
Trung Quốc cổ đại có lịch sử và văn hóa lâu đời, các di tích văn hóa từ hàng trăm, hàng nghìn năm trước có thể bị chôn vùi khắp nơi. Người dân ở một ngôi làng nông thôn thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc trong lúc làm nông đã phát hiện hang động kỳ lạ trong khu đất canh tác, trông giống như "hang trộm".
Sau khi trình báo với các đơn vị liên quan, người dân mới vỡ lẽ, đó không phải hang trộm mà là cổ mộ của hoàng tử thời nhà Minh - Đức Trang vương Chu Kiến Lân.
Lăng mộ của Đức Trang vương.
Được biết, cổ mộ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1993 bởi một người dân ở huyện Trường Thanh, thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Sau đó, hệ thống "hang" đầy bí ẩn liên tiếp được phát hiện.
Nhận ra sự bất thường, người dân địa phương đã báo lên văn phòng di tích văn hóa thành phố Tế Nam. Ngay lập tức, một đội ngũ gồm các chuyên gia khảo cổ, chuyên gia văn hóa, nhà sử học đã lập tức đến hiện trường để tiến hành kiểm tra, xem xét.
Sau một hồi kiểm tra, các chuyên gia vô cùng bất ngờ khi phát hiện hang động bí ẩn này hóa ra chính là lăng mộ của Đức Trang vương và hậu duệ trực tiếp của ông.
Đức Trang vương hay Đức vương là một vương gia thời nhà Minh, tự là Chu Kiến Lân, con trai thứ hai của vua Minh Anh Tông Chu Kỳ Trấn. Xét theo đúng văn bia của mộ cổ này, nơi này đã tồn tại ít nhất là 370 năm lịch sử.
Tính từ Đông sang Tây, toàn bộ lăng mộ có diện tích khoảng hơn 1.000 mẫu, gồm có cổng lăng, hành lang, kênh dẫn nước, tiền đường, hậu đường. Theo hai văn bia khai quật được, hậu lăng là nơi yên nghỉ của Đức Trang vương Chu Kiến Lân và thê tử là Lưu thị. Tiền điện là nơi an táng con trai thứ ba của Đức Trang vương là Tế Ninh An Hi vương Chu Hựu Tầm.
Ngay ở cửa lăng có một hàng 9 chuỗi hạt thể hiện địa vị của Đức Trang vương, hai bên lăng cũng được xây dựng tường cao hơn 10m và rất chắc chắn.
Theo dân làng, kể từ khi được phát hiện, ngôi mộ cổ này đã bị trộm 3 lần. Những kẻ trộm mộ rất to gan, chúng trộm cột trụ, thuê cả cần cẩu để lấy đi các bức tranh tường trong lăng mộ. Sau đó, chính quyền địa phương phải tiến hành kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn cho các di vật thì hiện tượng này mới ngừng.