Những khu vực bí ẩn nhất hành tinh (Phần 2)
Khu đền thiêng Angkor Wat, Kim tự tháp Ai Cập, Khu đô thị Cahokia được xem là những công trình kiến trúc đồ sộ, là kiệt tác biểu trưng cho sự phồn thịnh và tiến bộ của những nền văn minh cổ đại nhưng việc xây dựng những nơi này vẫn luôn là câu hỏi lớn chưa lời đáp của nhân loại.
>>> Những khu vực bí ẩn nhất hành tinh
Khu đền thiêng Angkor Wat
Khu đền thiêng Angkor Wat
Được xây dựng vào khoảng năm 1113–1150 sau Công nguyên, khu đền Angkor Wat nằm trên khoảng diện tích 200 ha và trở thành một trong những di tích tôn giáo lớn nhất thế giới từng được xây dựng. Theo tiếng Campuchia, Angkor Wat nghĩa là “thành phố đền thờ” thể hiện quy mô ngoài sức tưởng tượng của công trình này.
Được xây dựng như một ngôi đền Hindu thờ riêng vị thần Vishnu, Angkor Wat được chuyển thành một ngôi đền Phật giáo vào thế kỷ 14. Những bức tượng Phật các loại được đưa tới khu đền và làm phong phú thêm sự kỳ vĩ của công trình tôn giáo độc đáo này.
Với tháp trung tâm cao 65m cùng 4 tháp nhỏ hơn xung quanh và một loạt các tường bao, công trình này tái tạo lại ngọn núi Meru, một trong những nơi linh thiêng của thần thoại Hindu nằm trên dãy núi Himalaya và là nơi ở của các vị thần.
Thành phố đền thờ Angkor Wat từng là Thủ đô của Đế quốc Khmer với dân số ước tính chừng một triệu người. Dễ dàng nhận thấy, Angkor Wat từng là khu đô thị đông dân nhất thế giới cho tới khi công nghiệp hóa tạo ra những thành phố lớn. Tính tới thời điểm hiện tại, việc xây dựng Angkor Wat cũng như lý do khiến nó trở thành đô thị hoành tráng nhất thế giới vẫn là bí ẩn với các chuyên gia khảo cổ học.
Kim tự tháp Ai Cập
Kim tự tháp Ai Cập
Được xây dựng giữa những năm 2589 tới 2504 năm trước Công nguyên, bộ ba kim tự tháp Ai Cập Khufu, Khafre và Menkaure là minh chứng hùng hồn nhất cho kĩ năng xây dựng thời cổ đại. Làm thế nào để các kiến trúc sư Ai Cập có thể xắp xếp những khối đá khổng lồ khớp với nhau để tạo thành những kim tự tháp hùng vĩ vẫn là câu hỏi tồn tại suốt hàng trăm năm qua.
Nổi bật nhất trong bộ ba kim tự tháp là Đại kim tự tháp Khufu với kích thước và chiều cao vượt trội: 146m. Không những vậy, danh hiệu công trình nhân tạo cao nhất thế giới của Khufu còn được duy trì cho tới thế kỷ thứ 14 sau công nguyên, trước khi nhà thờ Lincoln của Anh ra đời.
Tuy nhiên, chiều cao chưa phải là điểm nhấn đặc sắc nhất của các kim tự tháp Ai Cập. Việc xây dựng những đường hầm ngoằn nghèo bên trong các kim tự tháp, được sử dụng để làm nơi chôn cất cho các vị hoàng đế cũng là kỳ quan của công nghệ xây dựng cổ đại. Ngoài ra, việc đưa những khối đá nặng tới 2,5 tấn lên cao để xây các kim tự tháp cũng thực sự là bí ẩn chưa thể giải đáp.
Khu đô thị Cahokia
Khu đô thị Cahokia
Được xây dựng từ năm 1050–1200 sau Công nguyên, Cahokia là đô thị đầu tiên ở Bắc Mỹ, lớn hơn nhiều so với các thành phố ở châu Âu, bao gồm cả London. Điểm nhấn đặc sắc nhất của Cahokia là 120 gò cao nằm khắp đô thị cùng với dân số 20.000 người trải đều trên khoảng diện tích rộng 16km2.
Nằm ven bờ sông Mississipi, người dân Cahokia hoàn toàn chưa hình thành bất kể hệ thống chữ viết nào. Chính vì lẽ đó, việc giải mã khu đô thị này hoàn toàn dựa vào những bằng chứng khảo cổ học. Các bằng chứng khảo cổ còn cho thấy, trò chơi phổ biến nhất ở đây mang tên “Chunkey” trong khi người dân đã biết tạo ra đồ uống từ cà phê.
Từng phát triển khá mạnh nhưng vì một lý do bí ẩn, thành phố bắt đầu suy thoái vào năm 1200 sau Công nguyên và trở nên hoang tàn vào năm những năm 1400. Cái tên Cahokia của đô thị này được cung cấp bởi một thổ dân sống trong khu vực này trong thế kỷ 17 trong khi phần lớn tàn tích của Cahokia biến mất vào thế kỷ 19 và 20, dưới những tuyến đường cao tốc và sự phát triển của thành phố St Louis ngày nay.
Hiện tại, giới khảo cổ Mỹ và thế giới đang nỗ lực bảo tồn những gì còn sót lại của Cahokia nhằm bảo tồn những di tích của một trong những đô thị đẳng cấp nhất thế giới cổ và giúp nó trở thành di tích cấp quốc gia của Mỹ.