Nước ở dưới bề mặt sao Hỏa chỉ 2,5cm: Giấc mơ hành tinh Đỏ không còn xa?
Nếu một ngày nào đó những nhà du hành vũ trụ đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa, họ sẽ cần mang theo mọi vật dụng cần thiết bên mình. Tuy nhiên việc vận chuyển các vật dụng cùng với các thiết bị và các phi hành gia là quá tải so với các công nghệ hiện nay.
Trong khi các nhà khoa học ở NASA đang thảo luận về việc vận chuyển các vật dụng và thiết bị tới sao Hỏa trước khi con người tới thì họ cũng tính tới việc tận dụng các nguồn tài nguyên có trên Hành tinh Đỏ này.
Một trong những điều kiện quan trọng là nước nhưng việc xác định nước ở đâu cũng quan trọng không kém. Xác định được vị trí có thể tìm thấy nước trên sao Hỏa sẽ giúp con người đặt chân lên hành tinh này.
Hình ảnh ghi lại được từ tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa của NASA. Những đám mây màu trắng và màu xanh chính là nước bay hơi. (Ảnh: NASA).
Một nghiên cứu công bố trong tuần này trên tạp chí Geophysical Research Letters cho thấy một tấm bản đồ nước đóng băng có thể chỉ ở ngay dưới bề mặt bụi bặm của sao Hỏa khoảng 2,5cm.
Trước khi con người thực hiện sứ mệnh đặt chân lên Hành tinh Đỏ, các robot đã và đang khảo sát sao Hỏa trong nhiều năm. Các tàu thăm dò nghiên cứu bề mặt sao Hỏa cho thấy những dấu vết của sự sống từng tồn tại trước đó và những bằng chứng về sự tồn tại của nước, trong khi các tàu quỹ đạo thu thập hình ảnh và phác thảo bản đồ về hành tinh này.
Dữ liệu từ tàu quỹ đạo trinh sát sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter) và Tàu thăm dò sao Hỏa Odyssey cũng phát hiện ra sự tồn tại của nước đóng băng ngay dưới bề mặt Hành tinh Đỏ.
"Bạn sẽ không cần một cái máy để khoan xuống lớp băng này. Bạn có thể chỉ cần sử dụng một chiếc xẻng để làm vậy. Chúng tôi đang tiếp tục thu thập dữ liệu về lớp băng sao Hỏa, tập trung vào những địa điểm phù hợp nhất để các phi hành gia hạ cánh”, Sylvain Piqueux nhà khoa học tại Phòng Thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, tác giả của nghiên cứu trên cho biết..
Sao Hỏa từng là một hành tinh ấm áp, có thể tồn tại sự sống và nước trên bề mặt. Tuy nhiên, điều gì đó đã xảy ra cách đây 3,5 tỷ năm khiến hành tinh này mất đi hầu như toàn bộ bầu khí quyển. Chỉ còn một lớp khí quyển mỏng tồn tại ngày nay khiến cho nếu nước tồn tại trên bề mặt, nó cũng sẽ bay hơi ngay lập tức.
Tuy nhiên, nước vẫn tồn tại ở dạng băng bên dưới bề mặt Hành tinh Đỏ, cả ở các cực và các khu vực ở giữa. Lớp băng ở cực là được biết tới nhiều nhất bởi các tàu quỹ đạo đã ghi lại được hình ảnh của nó.
Các tàu thăm dò và các tàu quỹ đạo của NASA cho thấy ngoài nước đóng băng được tìm thấy ở các cực và khu vực xích đạo của sao Hỏa thì dữ liệu này cũng tiết lộ về các khu vực mà nước đóng băng có thể chỉ tồn tại ngay bên dưới bề mặt của hành tinh này.
Khá giống với Mặt Trăng, một số khu vực trên sao Hỏa khiến những nơi đóng băng của hành tinh này, chẳng hạn như vùng cực, không phù hợp để con người có thể tồn tại. Những nhân tố như nhiệt độ hay ánh nắng Mặt trời cũng là các yếu tố được xem xét.
Điều đó khiến cho các vùng ở phía bắc và phía nam của khu vực xích đạo trở nên thu hút hơn. Bán cầu bắc có thể là nơi phù hợp hơn cho tàu vũ trụ có con người hạ cánh vào một ngày nào đó bởi độ cao của nó phù hợp hơn và bầu khí quyển ở đây cũng dày hơn.
Bản đồ mới của NASA tiết lộ nước đóng băng ở ngay 2,5 cm bên dưới bề mặt sao Hỏa nằm ở khu vực có tên là Arcadia Plantia trên bán cầu bắc của Hành tinh Đỏ.
Các nhà khoa học hiện đang muốn nghiên cứu kỹ hơn lớp băng dưới bề mặt này và liệu nó có thay đổi vào những mùa khác nhau hay không.
"Càng tìm hiểu về lớp băng ngay dưới bề mặt này, chúng tôi càng phát hiện ra nhiều điều. Quan sát sao Hỏa từ các tàu vũ trụ khác nhau qua nhiều năm giúp chúng tôi tìm ra những phương pháp mới để khám phá lớp băng này", nhà khoa học trong dự án Tàu Quỹ đạo trinh sát sao Hỏa (Mars Reconnaissance Orbiter) Leslie Tamppari nhận định.