Ô nhiễm không khí ảnh hưởng tới nhau thai
Theo một nghiên cứu vừa được trình bày tại hội nghị quốc tế của Hiệp hội hô hấp châu Âu (ERS) diễn ra tại Paris, các nhà khoa học đã tìm thấy chứng cứ đầu tiên về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tác động đến nhau thai của phụ nữ.
Sự ảnh hưởng đó sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu về sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với phụ nữ sống trong những thành phố bị ô nhiễm. Không khí ô nhiễm không chỉ đe dọa tới sự phát triển phổi ở trẻ nhỏ, mà còn có thể làm hỏng vĩnh viễn não bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của các em.
Bầu không khí độc hại chắc chắn gây ra những tác hại đối với bào thai khi còn trong bụng mẹ, nhưng bằng cách nào không khí ô nhiễm có thể xâm nhập cơ thể người phụ nữ?
Một nghiên cứu mới được tiến hành ở những bà mẹ sống ở London, Vương quốc Anh đã cho thấy sự xuất hiện của các hạt bồ hóng trong nhau thai của phụ nữ và rất có thể sẽ xâm nhập vào bào thai.
Các nhà khoa học Anh tìm thấy sự xuất hiện của các hạt bồ hóng trong nhau thai của phụ nữ và rất có thể sẽ xâm nhập vào bào thai. (Ảnh minh họa).
Tiến sĩ Lisa Miyashita, thuộc Đại học Queen Mary London, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu cho biết: "Đây là một vấn đề đáng lo ngại vì tác hại lớn của không khí bị ô nhiễm mà người mẹ hít vào sẽ ảnh hưởng tới thai nhi".
Một nghiên cứu lớn về hơn 500.000 ca sinh tại London, được công bố vào tháng 12 năm ngoái, đã xác nhận bầu không khí độc hại đang tác động tới hàng triệu phụ nữ và thai nhi ở các thành phố bị ô nhiễm trên toàn thế giới, đe dọa gây ra thảm họa về sức khỏe cộng đồng.
Các nhà khoa học ngày càng nhận thấy rằng ô nhiễm không khí dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn nhiều so với các bệnh về phổi. Vào tháng 8 vừa qua, một nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm nghiêm trọng trí thông minh, khi các hạt nano độc hại có trong không khí đã được tìm thấy trong não người kể từ năm 2016.
Trong nghiên cứu mới, 5 phụ nữ không hút thuốc và đều sinh ra những em bé khỏe mạnh được mời tiến hành kiểm tra nhau thai. Các nhà nghiên cứu đã phân lập các tế bào đại thực bào, là một phần của hệ thống miễn dịch của cơ thể với vai trò hấp thụ các yếu tố có hại. Sử dụng kính hiển vi quang học, họ đã tìm thấy 72 hạt sẫm màu trong 3.500 tế bào và sau đó sử dụng một kính hiển vi điện tử mạnh để kiểm tra hình dạng của một số hạt.
Kết quả cho thấy, tuy không phải tất cả, nhưng có những hạt trông rất giống các hạt bồ hóng được tìm thấy trong các đại thực bào ở phổi.
Tiến sĩ Miyashita cho biết: “Trong khi vẫn đang có những phân tích tiếp theo để ra kết quả cuối cùng, chúng tôi chưa thể có kết luận chính xác, chỉ biết rằng chúng tôi đã tìm thấy các hạt bụi đen trong nhau thai của những người phụ nữ này”.
Sự ảnh hưởng của không khí ô nhiễm sẽ dẫn đến thảm họa toàn cầu về sức khỏe cộng đồng, nhất là đối với phụ nữ sống trong những thành phố bị ô nhiễm. (Ảnh minh họa).
Một số nghiên cứu trước đây ở động vật mang thai cũng cho thấy, những hạt bụi do chúng hít vào sẽ theo dòng máu đã truyền tới nhau thai.
Một thành viên của nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Norrice Liu, thuộc Đại học Queen Mary London cho biết, nhóm nghiên cứu hiện chưa biết chắc liệu các hạt mà họ tìm thấy có xâm nhập vào bào thai hay không, nhưng thậm chí ngay cả khi chúng không xâm nhập vào bào thai chúng cũng có thể gây tác hại cho thai nhi, bởi vì chúng đã gây hại cho nhau thai.
Theo giáo sư Mina Gaga, chủ tịch ERS và tại Bệnh viện ngực Athens ở Hy Lạp, phát hiện mới này sẽ nâng cao nhận thức trong giới y học và công chúng về tác hại của ô nhiễm không khí đối với phụ nữ mang thai.
Còn giám đốc điều hành Unicef Anthony Lake gần đây đã cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm không khí đối với trẻ sơ sinh: “Không chỉ các chất gây ô nhiễm đe dọa tới sự phát triển phổi ở trẻ nhỏ, chúng còn có thể làm hỏng vĩnh viễn não bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của chúng”.