Phân biệt thịt lợn sạch và thịt nhiễm giun sán
Thịt nhiễm giun sán có những đốm trắng to, thớ thịt hình sợi hoặc hình bầu dục, miếng thịt cứng không đàn hồi.
Thịt lợn sạch là lợn không được nuôi bằng cám tăng trọng, không tồn dư thuốc và các hóa chất do thức ăn, không có ký sinh trùng và vi trùng, không chất bảo quản. Thịt lợn sạch thường có lớp bì và mỡ dày.
Có nhiều cách để nhận biết thịt lợn sạch và thịt lợn nhiễm ký sinh trùng, phổ biến là nhiễm giun sán. Theo lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, biện pháp đơn giản để phát hiện là cắt thịt theo thớ dọc và quan sát. Nếu miếng thịt có những đốm trắng to bằng đầu kim, hoặc thớ thịt có hình sợi hay hình bầu dục to là bị nhiễm giun sán.
"Cũng có thể nhận biết bằng cách sờ vào miếng thịt", lương y Sáng cho biết. Miếng thịt lợn cứng, không có sự đàn hồi, không mềm mại... rất có thể đã bị ướp ure hoặc chứa hàn the.
Thịt lợn sạch thường có lớp bì và mỡ dày.
Sán thường nhiễm trong thịt có tên là Cysticercus cellulosae. Khi xâm nhập vào cơ thể người, sán không phát triển ngay thành những con giun nhỏ, mà tiếp tục tồn tại dưới dạng ấu trùng, hình thành những khối u di chuyển trong da và mô mềm. Những khối u di động này thường xuất hiện ở mặt, mu bàn tay, lưng, mông, bụng. U dần chuyển thành một nốt nhỏ hoặc một khối phù nề, gây tổn thương hệ thần kinh trung ương như rối loạn tri giác, liệt nửa người, hôn mê.
Ấu trùng sán còn có thể di chuyển vào nội tạng như gan, phổi, gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở. Chúng di chuyển vào mắt làm xuất huyết, giảm thị lực, dẫn đến mù lòa. Khi chúng chui vào hốc tai, hốc mũi gây nhức tai, viêm mũi.
Thịt lợn ngoài nguy cơ nhiễm giun sán còn có thể nhiễm chất tăng trọng, chất tạo nạc hay ngâm chất bảo quản.
Nhận biết thịt lợn sạch với thịt tăng trọng, siêu nạc
Thịt lợn siêu nạc do hóa chất có mùi tanh hơn thịt lợn sạch, lớp mỡ mỏng, phần nạc và phần mỡ tách rời nhau.
Thịt lợn sạch có màu hồng tươi trong khi thịt lợn siêu nạc màu đỏ đậm khác thường, sáng và bóng, mặt da có thể xuất hiện những đốm đỏ.
Một cách thử đơn giản khác là thái thịt thành miếng dày 3-4cm, nếu miếng thịt không đứng thẳng được thì là thịt lợn được nuôi tăng trọng.
Thịt lợn sạch khi luộc nước trong, không váng bẩn. Khi nấu miếng thịt nở ra, không ra nước, có mùi thơm. Còn thịt siêu nạc hoặc nuôi cám tăng trọng khi luộc thường nhiều váng, nước có mùi hôi, lúc rang ra nhiều nước, ăn khô.
Thịt lợn sạch khi luộc nước trong, không váng bẩn.
Nhận biết thịt lợn sạch với thịt ngâm chất bảo quản
Thịt ướp chất bảo quản trông đỏ tươi nhưng thớ thịt săn cứng mất độ đàn hồi. Cắt sâu vào bên trong, thịt khá nhũn, chảy dịch, màu hơi thâm, có mùi. Loại thịt này khi rửa sẽ chuyển màu nhợt và có mùi tanh rất khó chịu, mỡ có màu vàng. Lúc nấu, nước thịt ôi sẽ đục, mùi hôi, mỡ bề mặt tách thành những hình tròn nhỏ thay vì nổi váng lớn như thịt tươi.
Cách chế biến thịt lợn an toàn
- Rửa tay sạch trước và sau khi nấu ăn.
- Không nên ăn thịt lợn sống, tái, chưa được nấu chín kỹ. Nấu xong nên ăn ngay, tránh để lâu tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
- Không nên để thức ăn chín cạnh thức ăn sống, cạnh dụng cụ sơ chế. Các dụng cụ như dao, thớt cần được rửa sạch trước khi chế biến thực phẩm khác.
Cách chọn các loại thịt ngon đảm bảo an toàn thực phẩm
Cách mua thịt lợn không có salbutamol và rau muống không tưới nhớt