Phát hiện gạch cổ quý hiếm hơn 600 năm trong ngôi đền Vua Hồ

Trong quá trình đào móng trùng tu đền Vua Hồ thờ trạng nguyên Hồ Hưng Dật (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), người dân phát hiện nhiều viên gạch, ngói, đá thềm, đầu rồng cổ quý hiếm.

Đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật hay còn gọi là đền Vua Hồ nằm trên đồi Thượng Đột (xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ngôi đền được khởi dựng vào năm 1403 để thờ vị tổ đầu tiên của dòng họ Hồ Việt Nam là Trạng nguyên Hồ Hưng Dật.


Đền thờ Vua Hồ ở xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) được khởi dựng từ năm 1403.

Theo sử sách ghi lại, Trạng nguyên Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú Diễn Châu (nay thuộc 3 huyện: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Ông là người có nhiều đóng góp lớn cho vùng đất này. Vì thế, khi ông mất, được nhân dân nhiều nơi lập đền thờ.

Năm 1403, Vua Hồ lúc bấy giờ là Hồ Hán Thương đã cho lập một ngôi đền để thờ nguyên tổ Hồ Hưng Dật và các bậc tiên liệt của ông. Về sau, khi vua Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương và Bạch Y công chúa (con gái của Hồ Quý Ly) mất, nhân dân và con cháu dòng họ Hồ đã đưa các vị vào phối thờ tại đền. Tên gọi đền Vua Hồ cũng xuất phát từ đó.


Những viên gạch lát nền cổ quý hiếm được tìm thấy trong quá trình đào móng xây dựng lại ngôi đền. Những viên gạch có hoa văn sắc sảo. Dù đã trải qua 600 năm nhưng gạch vẫn còn tươi mới.

Xưa kia, ngôi đền có quy mô rất lớn, gồm nhiều công trình như: Bái đường, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu, gác chuông, gác trống. Qua nhiều thăng trầm lịch sử và thiên tai, các công trình của đền lần lượt bị hư hỏng. Năm 2005, ngôi đền được phục dựng trên nền đất cũ.

Trong quá trình đào móng để phục dựng ngôi đền trên nền đất cũ, cơ quan chức năng và người dân đã phát hiện nhiều dấu tích còn lại của ngôi đền xưa như chân tảng bằng đá, gạch lát nền, ngói, đá bậc thềm...


Một phần góc đao (mái đao đền) cổ được tìm thấy đang được lưu giữ tại đền.

Tuy nhiên, các hiện vật cổ này sau đó bị phát tán nhiều nơi. Một số trong đó được đưa về Bảo tàng Nghệ An, phòng Truyền thống của huyện Quỳnh Lưu, một số khác được các gia đình trong vùng hoặc con cháu cất giữ. Khi đền hoàn thành đưa vào sử dụng, một số hiện vật quý đã được các gia đình trong vùng trả lại cho đền lưu giữ, thờ cúng.

Trong số các hiện vật tìm thấy, có 10 viên gạch lát nền màu sắc còn tươi sáng, hoa văn trang trí độc đáo, bắt mắt. Những viên gạch này được làm bằng đất nung, có kích thước 38cm x 38cm, dày 8cm. Giữa viên gạch được trang trí hình hoa cúc với vòng tròn nổi. Bao bọc bên ngoài là những vòng tròn nổi nhỏ hơn. Tiếp đó là những cánh hoa cúc được cách điệu. Ngoài cùng là 2 lớp hoa văn sóng nước, được trang trí ở cả bốn mặt, tạo thành hình vuông bao bọc lấy hoa cúc. Ở 4 phía được tạo nổi nửa hình tròn và nửa hình bông hoa cúc. Khi liên kết các viên gạch với nhau sẽ tạo thành những bông hoa cúc mới ở 4 phía.


16 chân tảng bằng đá cổ được tìm thấy trong quá trình phục dựng đền.


Những chân tảng bằng đá có tuổi đời hơn 600 năm.

Nhà nghiên cứu Đào Tam Tỉnh (nguyên Giám đốc thư viện Nghệ An) cho biết, hoa văn ở các viên gạch này là đặc trưng của gạch thời Trần. Bởi đền được xây dựng vào năm 1403, khi đó, vương triều nhà Hồ mới dựng chưa lâu và dấu ấn về mọi mặt của triều Trần vẫn còn đậm nét, trong đó có nghệ thuật làm gốm.

Điều đáng ngạc nhiên, những viên gạch lát nền được tìm thấy trong ngôi đền này đã có tuổi đời hơn 600 năm, bị chôn vùi dưới lòng đất nhưng vẫn còn tươi mới, nguyên vẹn hoa văn, đường nét.


Những cổ vật này vẫn đang được lưu giữ tại đền Vua Hồ.

Được biết, ngoài 10 viên gạch lát nền, hiện trong đền Hồ Hưng Dật còn lưu giữ 1 phần của góc đao. Trên góc đao này có trang trí hoa văn dây lá. Ngoài ra còn có 16 chân tảng bằng đá với nhiều kích thước khác nhau. Chân tảng to nhất cao 0,35m, cạnh 0,6m x 0,6m. Những đồ vật này được xem là hiện vật quý hiếm trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Ông Nguyễn Văn Chương - Chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, đền thờ Trạng nguyên Hồ Hưng Dật rộng 7ha do dòng họ Hồ trùng tu, tôn tạo. Những hiện vật được phát hiện trong quá trình trùng tu đang được lưu giữ tại nhà truyền thống trong khuôn viên ngôi đền. Hàng năm, con cháu dòng họ Hồ từ khắp mọi miền tổ quốc đều về dâng hương, tham quan đền khá đông.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Con người bắt đầu mặc “quần áo” từ bao giờ?

Con người bắt đầu mặc “quần áo” từ bao giờ?

Theo các nhà khảo cổ học, họ tìm ra bằng chứng thời điểm sớm nhất tổ tiên loài người không “cởi truồng” là ở những khu vực khảo cổ như Gran Dolina thuộc dãy núi Atapuerca ở Tây Ban Nha, liên quan tới loài người Homo antecessor có niên đại khoảng 780.000 năm về trước.

Đăng ngày: 06/04/2025
Phát hiện hóa thạch loài thú cổ trong hang động ở Vịnh Hạ Long

Phát hiện hóa thạch loài thú cổ trong hang động ở Vịnh Hạ Long

Đây là loài thú có vú, chiều dài đoán định khoảng hơn 1m, có tuổi khoảng 10.000 năm trở lại đây.

Đăng ngày: 05/04/2025
Lời trần tình của kẻ

Lời trần tình của kẻ "khai quật mộ cổ"

Nhà khảo cổ kể về trải nghiệm về sự nguy hiểm và thú vui của nghề đào mộ.

Đăng ngày: 04/04/2025
Loài người đang bị teo nhỏ vì nguyên nhân đáng sợ?

Loài người đang bị teo nhỏ vì nguyên nhân đáng sợ?

55 triệu năm trước, những con ngựa sơ khai đã trải qua giai đoạn cơ thể bị teo nhỏ bất thường. Loài người chúng ta có thể đang bước vào giai đoạn đó bởi một tác nhân khó tưởng tượng.

Đăng ngày: 02/04/2025
Đây là những cây mà NASA khuyên bạn nên trồng trong nhà

Đây là những cây mà NASA khuyên bạn nên trồng trong nhà

Bạn mới mua nhà nhưng không biết phải trang trí như thế nào? Hãy nghĩ ngay tới việc trồng cây cảnh, vừa "mát mắt" như các cụ nhà ta vẫn khen, lại vừa giúp phủ xanh Trái Đất này, dù chỉ là một phần bé nhỏ.

Đăng ngày: 01/04/2025
Tìm ra nguyên nhân khiến cho nền văn minh Maya sụp đổ

Tìm ra nguyên nhân khiến cho nền văn minh Maya sụp đổ

Phân tích của nghiên cứu cho thấy lượng mưa hàng năm giảm mạnh và độ ẩm giảm đã góp phần gây ra hạn hán và chấm dứt nền văn minh Maya.

Đăng ngày: 01/04/2025
Kim tự tháp Ai Cập được xây dựng như thế nào?

Kim tự tháp Ai Cập được xây dựng như thế nào?

Người Aztec, người Maya và người Ai Cập cổ thuộc ba nền văn minh rất khác nhau nhưng lại cùng chung một biểu tượng: các kim tự tháp. Tuy nhiên, trong ba nền văn minh cổ đại này, những chuẩn mực về thiết kế kim tự tháp do người Ai Cập đặt ra được phần lớn mọi người công nhận là kiểu kim tự t

Đăng ngày: 30/03/2025
Tiêu điểm
Khoa Học News