Phát hiện hố xanh sâu thứ hai trên thế giới
Hố xanh lớn thứ hai trên thế giới được phát hiện ngoài khơi bán đảo Yucatan, nằm ở vịnh Chetumal, sâu khoảng 274m và trải rộng 13.660m2.
Hố xanh ở Chetumal có tên gọi Taam Ja’ có nghĩa là "nước sâu" trong tiếng Maya. Thành hố dựng đứng với dốc nghiêng gần 80 độ. Miệng hang nằm ở độ sâu 4,6m dưới mực nước biển. Độ sâu của hố chỉ kém hơn một chút so với kỷ lục thế giới hiện nay là hố Rồng ở Biển Đông (sâu hơn 300m). Các nhà khoa học từ trung tâm nghiên cứu El Colegio de la Frontera Sur (Ecosur) do Hội đồng Khoa học và Công nghệ Mexico điều phối phát hiện hố lần đầu tiên năm 2021, Live Science hôm 21/4 đưa tin.
Hình ảnh dưới nước của hố xanh Taam Ja’. (Ảnh: Alcérreca-Huerta)
Hố xanh là những hang động thẳng đứng hoặc hố sụt dưới nước nằm ở vùng ven biển. Nhiều hố chứa hệ thực vật và động vật biển có độ đa dạng cao, bao gồm san hô, rùa biển, cá mập. Chúng hình thành khi nước biển tiếp xúc với đá vôi. Loại đá này có độ rỗng cao, vì vậy nước dễ dàng thấm qua lớp đá, tạo điều kiện cho hóa chất trong nước phản ứng với đá vôi và ăn mòn nó.
Nhiều hố xanh trên thế giới ra đời vào kỷ băng hà, khi ngập lụt liên tiếp ở vùng ven biển xói mòn đá vôi và tạo ra khoảng rỗng. Khi kỷ băng hà cuối cùng kết thúc khoảng 11.000 năm trước và mực nước biển dâng lên, các hang động ngập nước và một số chìm hoàn toàn. Theo Christopher G. Smith, nhà địa chất học ven biển của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), giới nghiên cứu biết rất ít về hố xanh. Thành phần hóa chất độc đáo của nước biển ở hố xanh chứng tỏ nó có thể tương tác với nước ngầm và tầng ngậm nước.
Hố xanh chứa rất ít oxy và ánh sáng Mặt trời chỉ chiếu đến bề mặt của chúng. Bất chấp điều kiện như vậy, hố xanh vẫn đầy sự sống thích nghi với môi trường nồng độ oxy thấp. Không có nhiều oxy và ánh sáng, hóa thạch từ hàng nghìn năm trước được bảo quản tốt, cho phép giới khoa học nhận biết những loài đã tuyệt chủng.
Năm 2012, các nhà nghiên cứu quan sát hố xanh ở Bahamas và tìm thấy vi khuẩn ở sâu trong hang động nơi những dạng sống khác không tồn tại. Phát hiện có thể cung cấp manh mối về dạng sống có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt ở thế giới khác trong Hệ Mặt trời.

Tác dụng của hiện tượng núi lửa phun trào
Một bản nghiên cứu mới đây đã chỉ ra rằng, núi lửa phun trào có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của hiện tượng Trái đất nóng lên.

Động đất là gì? Động đất được hình thành như thế nào?
Động đất là hiện tượng rung động đột ngột của vỏ Trái đất, mạnh hay yếu tuỳ từng trận (xác định bằng độ Richter).

Những nơi nóng nhất và lạnh nhất trên Trái Đất
Trạm Vostok, đảo Ellesmere, làng Oymyakon, thành phố Bangkok, thung lũng tử thần... là những địa dang nổi tiếng có nhiệt độ thấp và cao kỷ lục.

Aokigahara: Khu rừng bí ẩn ở Nhật Bản
Nằm ở chân núi phía tây bắc của núi Phú Sĩ, Aokigahara là một khu rừng rậm, nổi tiếng với một số lượng lớn các vụ tự tử ở đó, mặc dù có nhiều điều bí ẩn nhưng đây vẫn là một trong những địa điểm du lịch được nhiều người tới thăm nhất tại Nhật Bản.

Thảm họa núi lửa khủng khiếp nhất lịch sử nhân loại
Với sức công phá khoảng 800 triệu tấn TNT, vụ núi lửa Tambora phun trào ngày 10/4/1815 tại Sumbawa, Indonesia là vụ nổ gây chấn động lớn nhất trong lịch sử nhân loại.

Tìm hiểu về bảng phân loại cấp độ gió và sóng ở Việt Nam
Dưới đây là bảng phân loại cấp gió và sóng ở Việt Nam, mời các bạn cùng tham khảo.
