Phát hiện hóa thạch người đứng thẳng lâu đời nhất
Homo erectus, tổ tiên trực tiếp của người hiện đại, đã xuất hiện trên Trái Đất sớm hơn nhiều so với những gì các nhà khoa học từng nghĩ.
Hộp sọ Homo erectus được khai quật tại Nam Phi. (Ảnh: Scitech Daily).
Các nhà khảo cổ học quốc tế, do Đại học La Trobe của Australia và Đại học Washington của Mỹ dẫn đầu, hôm 3/4 công bố phát hóa thạch lâu đời nhất từng được biết đến của người đứng thẳng, hay trực nhân (Homo erectus), bên trong khu phức hợp hang động Drimolen ở tây bắc Nam Phi. Hộp sọ, được đặt tên là DNH 134, ước tính có niên đại cách đây 1,95 - 2,04 triệu năm.
Phát hiện đã đẩy lùi nguồn gốc của người Homo erectus trở về quá khứ sớm hơn 200.000 năm so với ghi nhận trước đây, theo Giáo sư Andy Herry từ Đại học La Trobe, trưởng nhóm nghiên cứu. Mẫu vật lâu đời nhất trước đó thuộc về hộp sọ Dmanisi, khoảng 1,75 - 1,85 triệu năm tuổi, được khai quật ở Georgia vào năm 1991.
Khu phức hợp hang động Drimolen, địa điểm phát hiện DNH 134. (Ảnh: Scitech Daily).
Mảnh vỡ đầu tiên của DNH 134 được tìm thấy vào năm 2015, nhưng nhóm nghiên cứu phải mất thêm 5 năm để khai quật hơn 150 mảnh vỡ để ghép thành hộp sọ. Các phân tích hóa thạch cho thấy mẫu vật thuộc về một đứa trẻ không quá ba năm tuổi khi chết.
"DNH 134 không chỉ tiết lộ Homo erectus đã có mặt trên Trái Đất từ rất sớm, mà còn giúp hiểu thêm về sự di cư của loài người đứng thẳng ở châu Phi", Herry nhấn mạnh. "Phát hiện này có ý nghĩa rất quan trọng bởi Homo erectus là một trong những tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens)".