Phát hiện hóa thạch nửa tỷ năm của động vật chân đốt
Các nhà khoa học tìm thấy hai mẫu vật tiền sử có niên đại cách đây tới 508 triệu năm, nhiều khả năng là tổ tiên của lớp Hình nhện.
Theo báo cáo trên tạp chí Nature Communications hôm 20/1, cả hai hóa thạch được phát hiện trong các bộ sưu tập tại Bảo tàng Động vật học So sánh của Đại học Harvard ở Cambridge, Massachusetts và Viện Smithsonian ở Washington, Mỹ.
Hóa thạch M. symmetrica ở Viện Smithsonian (trái) và Harvard (phải). (Ảnh: Nature Communications)
Mẫu vật ở Harvard có kích thước dài 13 mm và rộng 3,5 mm. Phần thấy được của nó cung cấp góc nhìn từ trên xuống. Trong khi đó, hóa thạch ở Viện Smithsonian chỉ dài 7,5 mm và cao 1,7 mm, cung cấp góc nhìn ngang từ mặt bên.
Độ chi tiết của các hóa thạch, đặc biệt là mắt và dây thần kinh thị giác, cho thấy rõ ràng cả hai đều thuộc loài Mollisonia symmetrica - động vật chân đốt sống trong kỷ Cambri giữa.
"Chúng tôi nhìn thấy các dây thần kinh thị giác chạy từ mắt của sinh vật vào cơ thể chính, nhưng không có đủ độ phẩn giải để kết luận chúng được tổ chức theo cách nào", trưởng nhóm nghiên cứu Javier Ortega-Hernández, nhà cổ sinh vật học không xương sống tại Đại học Harvard, cho biết.
M. symmetrica có khả năng là tổ tiên của các loài thuộc lớp Hình nhện (Arachnida) trong phân ngành Động vật Chân kìm (Chelicerata), chẳng hạn như bọ cạp, cua móng ngựa, nhện và ve. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu không chắc chắn về vị trí chính xác của chúng trên cây tiến hóa của động vật chân đốt.
Trong giai đoạn nghiên cứu tiếp theo, Ortega-Hernández hy vọng có thể tìm thấy thêm mẫu vật M. symmetrica trong các viện bảo tàng để hiểu rõ hơn về cấu trúc dây thần kinh thị giác của chúng, qua đó làm rõ mối quan hệ giữa chúng và động vật chân kìm.