Phát hiện loài dực long lớn nhất Australia, sải cánh lên tới 7m
Hóa thạch hơn 100 triệu năm tuổi ở bang Queensland tiết lộ một loài thằn lằn bay khổng lồ mới có sải cánh ước tính rộng tới 7m.
Thằn lằn bay hay dực long (pterosaur) là một nhóm bò sát rất thành công trong lịch sử, sống cách đây từ 65 đến tận 210 triệu năm. Một số đại diện như Azhdarchidae còn lớn hơn cả hươu cao cổ với sải cánh rộng hơn 9 m, khiến nó trở thành động vật bay lớn nhất từng tồn tại trên Trái Đất.
Ở Australia, hóa thạch dực long đặc biệt hiếm. Đến nay, có chưa tới 20 mẫu vật được tìm thấy ở các bang Queensland, New South Wales, Victoria và West Australia, trong đó chủ yếu là các mảnh xương rời rạc và bị cô lập từ kỷ Phấn Trắng.
Mẫu vật mới được khai quật tại lưu vực Eromanga ở Queensland. Trong báo cáo trên tạp chí Vertebrate Paleontology hôm 9/8, các nhà cổ sinh vật học từ Đại học Queensland nhấn mạnh nó thuộc về một loài dực long hoàn toàn mới, lớn chưa từng thấy ở Australia, được đặt tên là Thapunngaka shawi.
Mô phỏng dực long Thapunngaka shawi. (Ảnh: Richards et al).
Sinh vật sở hữu sải cánh rộng tới 7m và có khả năng ăn thịt những con khủng long chưa trưởng thành. Mặc dù vậy, chiếc miệng hình ngọn giáo của nó thích hợp để săn cá biển hơn. Thapunngaka shawi được cho là đã thống trị bầu trời Australia trong kỷ Phấn Trắng từ 100 đến 110 triệu năm trước.
Do là động vật bay, xương của dực long rất nhẹ với phần lớn cấu trúc rỗng và có thành mỏng. Đó là lý do hóa thạch của chúng không được bảo quản tốt.
"Hồ sơ hóa thạch dực long ở Australia rất nghèo nàn. Mẫu vật mới thật đáng kinh ngạc và có ý nghĩa lớn trong việc mở rộng hiểu biết của chúng ta về sự đa dạng của các loài bò sát bay", nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Tim Richards, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Hóa thạch Thapunngaka shawi hiện được trưng bày tại bảo tàng Kronosaurus Korner ở thị trấn Richmond, bang Queensland, Australia.