Phát hiện ngôi sao, nơi một ngày chỉ dài 25 giây
Sao lùn trắng LAMOST J0240+1952 nằm cách Trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng là sao lùn trắng quay nhanh nhất từng ghi nhận.
Các nhà khoa học tại Đại học Warwick (Anh), phát hiện sao lùn trắng mang tên LAMOST J0240+1952 có tốc độ quay cực nhanh, hoàn thành một vòng quay chỉ trong 25 giây, Interesting Engineering hôm 15/10 đưa tin. Điều này nghĩa là một ngày ở ngôi sao này chỉ kéo dài 25 giây.
Minh họa sao lùn trắng (trái) có thể quay nhanh khi được sao lùn đỏ (phải) phun khí vào. (Ảnh: NASA/Casey Reed)
LAMOST J0240+1952 nằm trong chòm sao Aries, cách Trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng và là sao lùn trắng quay nhanh nhất từng được phát hiện. Trái đất tự quay quanh trục một vòng mỗi ngày. Trong khi đó, thời gian trung bình để Mặt trời hay Mặt trời hoàn thành một vòng quay là khoảng một tháng.
Ingrid Pelisoli, nhà thiên văn tại Đại học Warwick, cùng các đồng nghiệp tìm ra LAMOST J0240+1952 sau khi chú ý đến một đợt bùng phát ánh sáng từ sao lùn trắng nằm gần một sao lùn đỏ. Họ nhận ra hiện tượng bùng sáng ngắn ngủi này xảy ra mỗi 24,93 giây, từ đó nắm được chu kỳ quay của sao lùn trắng.
Thông thường, sao lùn trắng mất nhiều giờ hoặc ngày để tự quay một vòng quanh trục. Tuy nhiên, ngôi sao mới phát hiện chuyển động nhanh như vậy vì được sao lùn đỏ gần đó cung cấp khí. Nhóm nghiên cứu của Pelisoli trình bày các phát hiện mới trên cơ sở dữ liệu arXiv.
Sao lùn trắng là một trong những thiên thể cổ xưa nhất có thể quan sát được trong vũ trụ. Chúng cũng là đối tượng chính trong một số quan sát khoa học nổi bật những năm gần đây. Ví dụ, năm ngoái, sao neutron và sao lùn trắng đã giúp các nhà thiên văn chứng minh thuyết tương đối của Einstein thông qua việc quan sát hiện tượng kéo hệ quy chiếu mà theo đó, không - thời gian bị thay đổi bởi các vật thể quay khổng lồ.
Trước đó, các nhà thiên văn tại Đại học Warwick cũng hé lộ những quan sát trực tiếp chứng minh rằng hàng nghìn sao lùn trắng trong dải Ngân Hà dần dần kết tinh lại khi chúng nguội đi qua nhiều thiên niên kỷ. Trong tương lai, Mặt trời cũng sẽ trải qua điều tương tự trước khi nguội thành một lõi tinh thể. Phát hiện này cho thấy một số sao lùn trắng cổ xưa hơn hàng tỷ năm so với ước tính trước đây. Những ngôi sao cổ xưa nhất thậm chí có thể tương đương tuổi của vũ trụ. Điều này đồng nghĩa rằng khám phá những bí ẩn của sao lùn trắng hứa hẹn mang lại nhiều thông tin giá trị về lịch sử vũ trụ.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
