Phát hiện nguy cơ về gen gây bệnh ung thư ruột
Theo một kết quả nghiên cứu, được đăng trên tạp chí Public Library of Science Genetics, các nhà khoa học đã phát hiện ra một biến thể đơn lẻ trong bộ mã gen của con người mà có thể là nguyên nhân dẫn tới bệnh ung thư ruột.
Phát hiện này có thể mở ra cánh cửa đối với việc sản xuất những loại thuốc mới điều trị căn bệnh này.
Các nghiên cứu trước đây đã xác định được 14 biến thể DNA làm tăng nguy cơ bị ung thư ruột cao hơn khoảng từ 1,5-2 lần. Những biến thể này được gọi là các hình thái nucleotide đơn lẻ (SNPs).
Hình minh họa ung thư ruột
Một đội ngũ các nhà khoa học quốc tế, dẫn đầu bởi các nhà nghiên cứu Anh tại Viện ICR, mong muốn khám phá rằng những biến thể này không chỉ có mối liên hệ với bệnh ung thư ruột mà còn chính là nguyên nhân gây bệnh.
Trong thí nghiệm, tiến sỹ Richard Houlston cải ICR và các đồng nghiệp đã tiến hành chiếu chụp 2.000 người bị ung thư ruột và nhóm so sánh gồm 2.000 người khỏe mạnh không mắc căn bệnh này.
Kết quả cho thấy nếu người nào có sự thay đổi trong bộ mã gen tại biến thể gen có tên gọi là rs16888589, thì họ sẽ sản xuất nhiều protein từ một loại gen gọi là EIFH3. Các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng việc có nồng độ loại protein EIFH3 cao sẽ dẫn tới sự phát triển của bệnh ung thư ruột.
Theo số liệu thống kê, ung thư ruột là căn bệnh có số người mắc cao thứ hai, chỉ xếp sau ung thư phổi, nhưng tỷ lệ chữa trị thành công lên đến 90% nếu phát hiện sớm.
Ung thư ruột là cụm từ được dùng để chỉ chung cho bệnh ung thư ruột kết và ung thư trực tràng. Đây là hai bộ phận "cửa ngõ" cuối của quá trình tiêu hóa thức ăn nên bất cứ một sai sót gì của hệ tiêu hóa cũng dễ gây nên những bất thường trong sự phát triển tế bào ở những nơi này. Khi bộ máy tiêu hóa gặp rắc rối, đa phần các khối u sẽ dễ phát triển ở ruột kết và trực tràng hơn các bộ phận khác.
Cũng giống các căn bệnh ung thư khác, mệt mỏi và sụt cân không rõ nguyên nhân là hai triệu chứng chung. Tuy nhiên, ung thư ruột dễ xảy ra khi cơ thể bạn có các hiện tượng điển hình như sau: chảy máu khi đi ngoài; tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài quá 2 tuần lễ; thường xuyên cảm thấy đầy hoặc trướng ở bụng dưới; thỉnh thoảng có cảm giác đau nhói hoặc khó chịu trong bụng; hay siêu âm phát hiện có khối u trong bụng.