Phát hiện "nhà trẻ" bạch tuộc dưới biển sâu 2.800m
Các nhà khoa học phát hiện nơi bạch tuộc tụ tập ấp trứng tại một miệng phun thủy nhiệt nhiệt độ thấp ngoài khơi Costa Rica, trong mỏm đá Dorado.
Bạch tuộc tụ tập dưới vùng biển sâu ngoài khơi Costa Rica. (Video: CNN).
Nhóm nghiên cứu gồm các chuyên gia từ Viện Đại dương Schmidt, Đại học Costa Rica và Phòng thí nghiệm Khoa học Đại dương Bigelow tìm ra "nhà trẻ" bạch tuộc này với phương tiện vận hành từ xa ROV SuBastian của tàu nghiên cứu Falkor (too), IFL Science hôm 1/7 đưa tin.
"Nhà trẻ" ở mỏm đá Dorado được phát hiện lần đầu vào năm 2013, khi các nhà khoa học lần đầu tiên quan sát bạch tuộc cái tụ tập cùng nhau để ấp trứng. Tuy nhiên, trong chuyến thám hiểm kéo dài 3 tuần vào tháng 6, lần đầu tiên họ chứng kiến những quả trứng nở ở đây, cho thấy Dorado có thể nuôi dưỡng bạch tuộc con từ khi mới chào đời. Điều này cũng giúp khẳng định giả thuyết cho rằng một số loài bạch tuộc biển sâu hướng đến các miệng phun thủy nhiệt nhiệt độ thấp để ấp trứng.
Nhóm nghiên cứu nhận định, bạch tuộc ở mỏm đá Dorado có khả năng là một loài mới thuộc chi Muusoctopus, gồm những loài bạch tuộc kích thước từ nhỏ đến trung bình và không có túi mực. Bạch tuộc không phải sinh vật duy nhất mà nhóm nghiên cứu bắt gặp. Họ cũng ghi hình hàng trăm loài động vật, nhiều loài trong số đó có thể hoàn toàn mới.
Bạch tuộc ở mỏm đá Dorado có khả năng là một loài mới thuộc chi Muusoctopus.
"Việc phát hiện nhà trẻ bạch tuộc ở độ sâu hơn 2.800 m dưới vùng biển Costa Rica chứng tỏ vẫn còn rất nhiều điều cần tìm hiểu về đại dương. Vùng biển sâu ngoài khơi Costa Rica vượt ngoài tưởng tượng của con người với những thước phim ngoạn mục do ROV SuBastian thu thập về cá ba chân, bạch tuộc con và vườn san hô. Chúng tôi mong muốn tiếp tục giúp thế giới quan sát và nghiên cứu những điều kỳ diệu của đại dương", tiến sĩ Jyotika Virmani, giám đốc điều hành Viện Đại dương Schmidt, chia sẻ.
Đây mới chỉ là khởi đầu trong nhiệm vụ thám hiểm các đại dương trên thế giới của Viện Đại dương Schmidt. Bắt đầu với chuyến thám hiểm Bắc Đại Tây Dương năm 2023, họ dự định triển khai nhiệm vụ ở cả 7 lục địa trong thập kỷ tới. Họ hy vọng sẽ lập bản đồ đáy biển, khám phá sự đa dạng sinh học chưa từng thấy và đánh giá xem các đại dương đang chống lại mối đe dọa từ biến đổi khí hậu như thế nào.

Những bãi biển nguy hiểm nhất thế giới
Phần lớn du khách đều muốn đi biển vào mùa hè, nhưng nhiều bãi biển tiềm ẩn những nguy hiểm chết người.

Những sự thật thú vị về cá mập khiến bạn kinh ngạc
Cá mập là một trong những sinh vật biển nguy hiểm nhất của đại dương. Chúng là những sát thủ đáng sợ đối với sinh vật biển cũng như con người. Bên cạnh sự nguy hiểm đó chúng còn có những điều rất thú vị mà bạn không ngờ tới.

Những mối quan hệ hai bên cùng có lợi
Một mối quan hệ giữa hai cá thể (loài vật, cây, con người...) chỉ tồn tại được lâu dài nếu cả hai bên đều được lợi. Đó là quy luật cộng sinh.

Tìm hiểu về loài mực - cách mà loài thân mềm yếu ớt sinh tồn
Mực có kích cỡ rất đa dạng từ khổng lồ 14m đến loài mực lùn chỉ dài 2,5cm. Các con vật này được xếp vào nhóm động vật thân mềm.

Sự thật đau lòng đằng sau khuyến cáo ngừng ăn tôm hùm Mỹ
Nhiều doanh nghiệp tôm phẫn nộ khi cơ quan bảo tồn ở đất nước cờ hoa khuyến cáo người dân ngừng ăn tôm hùm Mỹ, do hoạt động đánh bắt loài này gây nguy hại đến cá voi trơn.

Dòng đối lưu Đại Tây Dương sắp sụp đổ, "quả bom thời tiết" sẽ nổ khắp thế giới?
Biến đổi khí hậu đang làm chậm các dòng đối lưu mang nước ấm từ vùng nhiệt đới lên phía Bắc Đại Tây Dương và sẽ khiến hệ thống này sụp đổ hoàn toàn.
