Phát hiện Trái đất có "nhịp tim": Cảnh báo rùng mình về thảm họa
Hàng loạt thảm họa thiên nhiên đáng sợ và sự kiện tuyệt chủng hàng loạt đã hé lộ nhịp tim của Trái đất - một chu kỳ 27,5 triệu năm hoàn toàn khắc nghiệt.
"Nhiều nhà địa chất tin rằng các sự kiện địa chất là ngẫu nhiên theo thời gian, nhưng nghiên cứu của chúng tôi cung cấp bằng chứng thống kê cho một chu kỳ chung: những sự kiện địa chất này có mối tương quan và không phải ngẫu nhiên" - nhà địa chất học Michael Rampino từ Đại học New York (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết trên Science Alert.
Tiến sĩ Rampino và các cộng sự đã tiến hành phân tích độ tuổi và cách thức xảy ra của 89 sự kiện địa chất được biết rõ từ 260 triệu năm qua.
Biểu đồ thảm họa của Trái đất trong 260 triệu năm qua - (Ảnh: Geoscience Frontiers)
Đó là hàng loạt hoạt động núi lửa, phun trào bazan ngập lục địa, sự kiện đại dương thiếu khí, tái cấu trúc mảng, mực nước biển dâng, liên quan mật thiết đến các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt - những "ngày tận thế" của nhiều loài, theo đủ kiểu mà trí tưởng tượng và phim ảnh con người có thể diễn tả.
Một cách bí ẩn và đáng sợ, họ đã tập hợp 89 thảm họa trên thành 8 cụm sự kiện chính "làm thay đổi thể giới", tạo thành một biểu đồ đều đặn như nhịp tim với các "xung thảm họa".
Từ khoảng 1 thế kỷ trước, đã có những nghiên cứu rải rác cho thấy dường như Trái đất cứ gặp thảm họa lớn sau mỗi 30 triệu năm, hoặc 26,2 triệu năm, hoặc 30,6 triệu năm.
Nhưng với các tính toán mới nhất, các tác giả khẳng định con số chính xác là 27,5 triệu năm cho mỗi "nhịp đập thảm họa" của trái tim hành tinh. Đó cũng là khoảng thời gian luôn trùng khớp ma quái với các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt.
Nhóm nghiên cứu đưa ra một số nguyên nhân có thể dẫn đến "nhịp tim" đầy thảm họa của Trái đất: do chu kỳ tấn công của sao chổi, do "hành tinh X" nào đó tác động.
Tuy nhiên trong bài công bố mới nhất trên Geoscience Frontiers, họ cho rằng các xung tuần hoàn của kiến tạo và biến đổi khí hậu này có thể là kết quả của các quá trình địa vật lý liên quan đến động lực của kiến tạo mảng và những biến đổi mang tính chu kỳ của lớp phủ.
Cũng có thể chính lớp phủ và lõi Trái đất - những thứ tạo động lực cho kiến tạo mảng - cũng hoạt động theo chu kỳ vì bị tác động bởi sự chuyển động của Trái đất trong hệ Mặt Trời và thiên hà.