Phát hiện trường hợp nhiễm giun Ophidascaris đầu tiên ở người
Ngày 29/8, các bác sĩ Úc cho biết một con giun tròn thường chỉ tìm thấy ở rắn "còn sống và đang ngo ngoe" đã được lấy ra khỏi não một người phụ nữ.
Các bác sĩ đã thực hiện chụp MRI (chụp cắt lớp) cho người phụ nữ Úc 64 tuổi sau khi bà bắt đầu bị mất trí nhớ và nhận thấy một "tổn thương không điển hình" ở phía thuỳ trước não của bà.
Kết quả chụp MRI cho thấy một khối chứa ấu trùng Ophidascaris trong não người phụ nữ. (Ảnh: CNN).
Đó là một con giun tròn dài 8 cm (ba inch), được gọi là Ophidascaris robertsi, mà các nhà nghiên cứu cho biết là loại ký sinh trùng phổ biến ở chuột túi và trăn thảm - nhưng không ký sinh ở người.
Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Sanjaya Senanayake cho biết: “Đây là trường hợp nhiễm giun Ophidascaris đầu tiên ở người được mô tả trên thế giới”.
“Theo hiểu biết của chúng tôi, đây cũng là trường hợp đầu tiên liên quan đến não của bất kỳ loài động vật có vú nào, dù là con người hay loài khác”.
Các nhà nghiên cứu tin rằng người phụ nữ bị nhiễm bệnh sau khi đi hái quả dại ăn được có khả năng bị nhiễm ấu trùng ký sinh trong phân rắn tại những bụi cây ở gần nhà.
Ký sinh trùng, xuất hiện dưới dạng "cấu trúc giống như sợi dây" trên bản quét não, sau đó được xác định thông qua xét nghiệm DNA.
Bác sỹ Senanayake ca ngợi sự can đảm của bệnh nhân trong suốt quá trình chữa trị. Ông nói: “Chẳng ai mong muốn trở thành đầu tiên trên thế giới mắc bất cứ bệnh gì”.
Chuyên gia Senanayake cũng cho biết giun tròn Ophidascaris thường lây nhiễm ở động vật và "có khả năng những trường hợp lây nhiễm ở người khác sẽ được ghi nhận trong những năm tới".
Những phát hiện này đã được công bố trên tạp chí Các bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện.