Phát triển công nghệ sản xuất kháng sinh ở Việt Nam
Viện Công nghệ sinh học (Viện KH-CN Việt Nam) đã thành công trong định hướng phát triển sản xuất kháng sinh ở Việt Nam theo các phương pháp ứng dụng công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới.
Đây là đề tài thuộc Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm Quốc gia về phát triển công nghiệp Hóa - Dược đến năm 2020, được bắt đầu từ năm 2008 đến 2012, do PGS.TS Lê Gia Hy - Viện Công nghệ sinh học (Viện KH-CN Việt Nam) làm chủ nhiệm.
Thuốc kháng sinh
Theo PGS.TS Lê Gia Hy, trong những năm gần đây, ở Việt Nam nhu cầu kháng sinh nhóm beta-lactam ngày càng tăng. Trong số các kháng sinh nhập khẩu phục vụ cho công tác chữa bệnh ở các bệnh viện và cơ sở y tế hàng năm thì các kháng sinh cephalosporin bán tổng hợp thế hệ mới chiếm khoảng 50%.
Đây được xem là nhóm kháng sinh ít độc và có hiệu quả cao trong việc chữa các bệnh liên quan tới nhiễm khuẩn vì nó có khả năng chống lại các loại vi khuẩn đã kháng lại các penicillin.
Ngoài ra do nhu cầu sử dụng lớn và việc nhập khẩu kháng sinh lại mất nhiều chi phí nên nghiên cứu định hướng phát triển công nghệ sản xuất thuốc kháng sinh đã trở thành một nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Thành công của đề tài sẽ là tiền đề cho Dự án sản xuất thử nghiệm thuốc kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 2 và 3 ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.