Phẫu thuật thẩm mỹ giống ảnh selfie: Hiện tượng "mặc cảm Snapchat"
Trước đây, bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ sẽ mang ảnh của những người nổi tiếng đến làm minh họa cho bác sỹ phẫu thuật về diện mạo và dáng vẻ mà họ muốn trở thành, nhưng trong những năm gần đây, điều này đang dần trở nên ít phổ biến.
Các bệnh nhân hiện nay hay đưa cho bác sỹ ảnh chụp selfie của họ, nhưng những bức ảnh này đã được chỉnh sửa qua các ứng dụng như Snapchat hay Facetune.
Mong muốn được trông giống hệt như ảnh selfie Snapchat của chính mình là một hiện tượng tâm lý học mới mà các nhà khoa học gọi là "Mặc cảm Snapchat"
Theo tiến sỹ Neelam Vashi, giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ và Laser thuộc Đại học Boston: "Một hiện tượng mới tên là "Mặc cảm Snapchat" đang nổi lên, ở đó các bệnh nhân tìm đến phẫu thuật để giúp họ trông giống như phiên bản đã được tinh lọc của chính mình".
Các ứng dụng như Snapchat không chỉ cho phép bạn thêm những chi tiết như sừng kỳ lân hay tai cún vào ảnh, mà còn cung cấp nhiều bộ lọc giúp làm mịn da, đổi màu mắt, hay thu gọn gương mặt.
Các bệnh nhân tìm đến phẫu thuật để giúp họ trông giống như phiên bản đã được tinh lọc của chính mình.
Trước đây, loại hình công nghệ này đắt đỏ và phức tạp hơn nhiều; và bạn thường chỉ thấy công nghệ tút tát đến tận răng này được dùng cho hình ảnh của các ngôi sao trên tạp chí. Tuy nhiên ngày nay, tất cả những gì bạn cần chỉ là một chiếc điện thoại thông minh.
Thuật ngữ "Mặc cảm Snapchat" được phái sinh từ Mặc cảm ngoại hình (BDD). Những người mắc BDD bị ám ảnh với những khuyết điểm mà họ nhận thấy về ngoại hình của mình, mặc dù trong mắt những người khác, những "khuyết điểm" đó có thể không tồn tại.
Truyền thông xã hội dường như là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người gặp phải những vấn đề kiểu này.
Nghiên cứu cho thấy văn hóa selfie đang thay đổi cách mọi người nhìn nhận bản thân.
Khoảng 55% bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ gương mặt cho biết họ từng gặp những bệnh nhân quyết định phẫu thuật để chụp ảnh selfie được đẹp hơn.
Dường như có một mối liên hệ giữa việc đăng những bức ảnh selfie đã được chỉnh sửa lên mạng xã hội và mức độ không hài lòng về cơ thể.
Một nghiên cứu năm 2015 thực hiện với các em gái tuổi vị thành niên phát hiện ra rằng những người hay chia sẻ những hình ảnh như vậy trên mạng xã hội nhiều khả năng có các vấn đề về lòng tự trọng hơn.
Một số người có thể lập luận rằng công nghệ mới này thực tế là một điều tốt cho hình ảnh cá nhân của mọi người, vì nó đã "hé mở tấm rèm" về khả năng chỉnh sửa ảnh.
Khi công nghệ này vẫn còn giới hạn ở một nhóm người nhất định, nó ít được hiểu biết rộng rãi hơn; một người bình thường sẽ dễ dàng tin rằng một bức ảnh đã qua chỉnh sửa của một ngôi sao chính là hình ảnh thật của họ.
Đáp lại những tranh cãi xung quanh Mặc cảm Snapchat, một người phát ngôn của Facetune cho biết: "Facetune và Facetune 2 đang thực sự phá vỡ ảo tưởng của những lý tưởng về "cơ thể hoàn hảo"".
Tất cả mọi người - từ những siêu mẫu nổi tiếng đến bà cô của bạn - đều sử dụng nó, và ai cũng biết là tất cả mọi người đang dùng nó. Thật ngây thơ nếu bạn cố cãi theo hướng khác. Ứng dụng này tạo ra sân chơi công bằng cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những ứng dụng kiểu này đang khiến chúng ta mất kết nối với thực tế. Chúng tạo ra một tiêu chuẩn về cái đẹp không thể nhân rộng trong thế giới thực.