Phương pháp 50.000 năm tuổi có thể dập tắt cháy rừng Australia
Một bí kíp 50.000 năm tuổi của người thổ dân Australia có thể dập tắt đám cháy rừng đang hoàng hành tại quốc gia này.
Theo kênh CNN, bang New South Wales tuần trước đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, trong bối cảnh điều kiện thời tiết ngày càng tồi tệ hơn có thể dẫn tới nguy cơ cháy rừng bùng phát lớn mạnh hơn.
Bill Gammage – nhà sử học kiêm giáo sư giảng dạy tại Đại học Quốc gia Australia – cho biết thổ dân địa phương có một nền tảng kiến thức sâu rộng về vùng đất. Họ có thể cảm nhận đám cỏ và biết rằng nó có thể cháy tới mức độ nào, họ biết loại ngọn lửa tương ứng với mỗi loại đất, thời gian và tần suất bị đốt cháy là bao lâu.
Các đám cháy rừng bùng phát dữ dội tại New South Wales, Australia, ngày 31/12/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
“Những kỹ năng như thế, họ sở hữu còn chúng ta thì không biết”, Giáo sư Gammage tiết lộ.
Kỹ thuật của người thổ dân hình thành một phần từ công tác phòng lửa: loại bỏ những vật liệu bắt lửa như mảnh vụn, bụi rậm, bụi cây và một số loại cỏ nhất định. Người thổ dân tự gây ra những đám cháy quy mô nhỏ, không quá dữ dội để dọn sạch những vật liệu dễ bắt cháy trong khu vực. Các đám cháy cường độ nhỏ hơn sẽ làm giảm tác động đến côn trùng và động vật sinh sống trong khu vực, cũng như bảo vệ cây và tán rừng.
Mặc dù hiện các lực lượng cứu hỏa của chính phủ vẫn sử dụng các kỹ thuật giảm tải nguy hiểm và kiểm soát vật liệu bắt lửa song theo Giáo sư Gammage, điều đó vẫn chưa đủ.
“Một số việc đã được thực hiện, song chưa đủ thành thực. Chúng ta không thực sự để tâm tới thảm thực vật và sinh vật bị lửa đe dọa. Thứ hai, chúng ta không thực sự biết thời điểm nào thích hợp nhất trong năm, ngọn lửa có thể thiêu trụi nhiều như nào và làm cách nào để có thể xuyên qua mặt trận lửa”.
Vậy tại sao kỹ thuật của thổ dân lại khó áp dụng?
Việc tạo ra những ngọn lửa quy mô nhỏ, cường độ yếu để góp phần ngăn đám cháy lớn hơn lan rộng tưởng chừng như đó là kiến thức thông thường. Trên thực tế, để thực hiện điều đó lại rất khó.
“Nó liên quan đến mực độ hiểu biết. Thời điểm bạn gây ra đám cháy nhỏ là khi nào trong năm, khi nào trong ngày. Bạn muốn đám cháy nhỏ đó bùng phát trong bao lâu? Thực vật xung quanh đó gồm những gì? Điều kiện thời tiết thế nào. Nói chung, chúng ta cần rất nhiều kỹ năng của dân bản địa”, nhà sử học giải thích.
Lấy dẫn chứng từ những người châu Âu cổ xưa, họ cũng từng học cách dập lửa của người thổ dân Australia bằng cách tạo ra các đám cháy nhỏ. Tuy nhiên, đám cháy của họ quá lớn và thậm chí còn tạo ra nhiều bụi bẩn dễ bắt lửa hơn, từ đó kéo theo hỏa hoạn ngày một lớn hơn. “Ngay cả khi mọi người quan sát người thổ dân kiểm soát ngọn lửa, và nhìn thấy kết quả, song họ sẽ không học theo được”, Giáo sư Gammage cho hay.
Hiện điều kiện thời tiết tại Australia khô và nóng đang khiến cho các đám cháy rừng lây lan mạnh và nhanh hơn, khó kiểm soát hơn. Theo ông Justin Leonard – một nghiên cứu viên chuyên về cháy rừng và quản lý đất đại tại Australia, phương pháp của người thổ dân vẫn có tác dụng. “Các vùng đất đã trải qua phương pháp đốt cháy phòng ngừa dẫn đến tình trạng hỏa hoạn ít dữ dội hơn”.
Tuy nhiên, phương pháp này lại cần chi phí cao hơn và nguồn lực nhiều hơn. Ông Leonard cho biết cần rất nhiều lao động để gây ra những đám cháy quy mô nhỏ ở mọi nơi. Thậm chí chỉ cần áo dụng chiến thuật này gần các thị trấn có người ở cũng có thể sẽ tốn nhiều công sức.
Giáo sư Gammage lưu ý chi phí cao luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ khi nhắc đến việc áp dụng phương pháp dập lửa của người thổ dân, song ông tỏ ý không đồng tình với quan điểm.
"Chiến dịch dập lửa như bây giờ còn tốn kém hơn nhiều. Những đám cháy đã phá hủy 18 triệu hecta đất. Thật đáng xấu hổ khi chúng ta để những đám cháy khủng khiếp như vậy xảy ra. Người thổ dân nắm rõ và chăm sóc vùng đất của họ là điều người Australia nên suy ngẫm và học hỏi”, ông Gammage kết luận.