Robot NASA lần đầu tiên khoan lấy mẫu đất sao Hỏa
Quá trình khoan lấy mẫu của robot Perseverance diễn ra thuận lợi nhưng ống đựng lại trống rỗng khiến các nhà khoa học bối rối.
Robot Perseverance khoan lỗ lấy mẫu đất lần đầu tiên hôm 6/8, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nhiệm vụ trị giá 2,7 tỷ USD. Tuy nhiên, dữ liệu mà robot này gửi về Trái đất cho thấy không có đất hay đá sao Hỏa lọt vào trong ống đựng mẫu vật, NASA thông báo.
Lỗ trên bề mặt sao Hỏa do robot Perseverance khoan. (Ảnh: NASA/JPL-Caltech).
"Không thành công trong một lần như chúng tôi mong đợi, nhưng mọi công việc mới luôn có rủi ro. Tôi tự tin rằng chúng tôi có đội ngũ phù hợp đang xử lý vấn đề này và sẽ kiên trì tìm kiếm giải pháp để đảm bảo thành công trong tương lai", Thomas Zurbuchen, chuyên gia tại NASA, chia sẻ.
Perseverance mang theo 43 ống mẫu vật. Nó sẽ dùng mũi khoan ở cánh tay robot dài 2,1 m để khoan đá sao Hỏa và lấy vật chất đổ vào ít nhất 20 ống. Dữ liệu do Perseverance gửi về hôm 6/8 chỉ ra rằng mũi khoan đã hoạt động như dự kiến và quá trình xử lý ống mẫu vật có vẻ cũng diễn ra bình thường.
"Quá trình lấy mẫu diễn ra tự động từ đầu đến cuối. Một trong những bước diễn ra sau khi đặt ống mẫu vật vào chỗ là đo lượng vật chất thu được. Nhưng robot không gặp phải lực cản mà vật chất bên trong ống gây ra", Jessica Samuels, trưởng nhóm nhiệm vụ trên bề mặt sao Hỏa của Perseverance tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực (JPL) thuộc NASA, cho biết.
Việc khoan lỗ thành công nhưng ống mẫu vật trống rỗng chưa từng xảy ra trong các thử nghiệm ở Trái đất. "Theo nhận định ban đầu, rất có thể nguyên nhân là khối đá mục tiêu không phản ứng như chúng tôi dự đoán, khả năng thấp hơn là hệ thống lấy mẫu gặp sự cố phần cứng", Jennifer Trosper, quản lý dự án Perseverance tại JPL, nêu ý kiến.
"Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để phân tích dữ liệu mà mình có, đồng thời thu thập thêm dữ liệu chẩn đoán để hỗ trợ việc tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ khiến ống mẫu vật trống rỗng", Trosper nói thêm. Dữ liệu bổ sung sẽ bao gồm những ảnh chụp chi tiết lỗ khoan do camera WATSON của Perseverance chụp.
Trước đây, các đặc tính bất ngờ của đất đá từng gây trở ngại cho các robot sao Hỏa. Ví dụ, robot Curiosity đã khoan những tảng đá cứng hoặc giòn hơn đáng kể so với dự đoán của các nhà khoa học. Trạm đổ bộ InSight cũng không thể đào sâu như kế hoạch, có khả năng do lớp đất vừa bột vừa dính cản trở.