Rong biển có thể giúp điều trị bệnh alzheimer
Theo các nhà khoa học Italy, một chất tồn tại trong rong biển có thể giúp các tế bào não chống lại các tác động tiêu cực của bệnh alzheimer.
Alzheimer (bệnh suy giảm trí nhớ), một căn bệnh thoái hóa của hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở người trên 65 tuổi.
Báo cáo mới công bố của trường Đại học Molise, miền Nam Italy, cho biết một số loài rong biển có chứa một chất mang tên "homotaurine" có thể bảo vệ não chống lại tình trạng thoái hóa do bệnh alzheimer gây ra.
Giáo sư Giovanni Scapagnini, trưởng nhóm nghiên cứu, đã tiêm chất "homotaurine" cho hơn 2.000 bệnh nhân alzheimer ở Italy, Mỹ và một số nước châu Âu trong vòng nhiều tháng.
Sau 18 tháng dừng tiêm, nhóm nghiên cứu phát hiện thấy chất "homotaurine" đã làm giảm đáng kể sự tồn tại của các độc tố được cho là nguyên nhân chính làm suy giảm chức năng hoạt động của não bộ.
Chất này có tác dụng đặc biệt tích cực đối với khu vực não liên quan đến kí ức, nơi bị tàn phá đầu tiên bởi bệnh alzheimer, khiến người bệnh dần mất trí nhớ.
Phát hiện lớn về "homotaurine" được coi là một bước tiến quan trọng trong việc điều trị bệnh alzheimer trong bối cảnh số bệnh nhân alzheimer ngày càng tăng trên thế giới và được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần trong vòng 40 năm tới.
Hiện tại, khoa học vẫn bó tay trước căn bệnh này. Theo các nhà khoa học, việc hút thuốc, béo phì và sóng điện từ được cho là những nguyên nhân chính dẫn đến giảm trí nhớ./.